Chùa Ninh Cầm (huyện Sóc Sơn)
Chùa Ninh Cầm hiện nay tọa lạc tại xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Chùa Ninh Cầm là tên gọi theo địa danh thôn Ninh Cầm. Chùa có tên chữ là Đỉnh Sơn cổ tự (chùa cổ Đỉnh Sơn). Ngôi chùa nằm về phía bắc Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 40km.
Hiện nay chưa tìm thấy những tư liệu ghi chép chính xác về niên đại khởi dựng của chùa, nhưng căn cứ bài văn khắc trên tấm bia hậu niên hiệu Khải Định 4 (1919) và văn chuông đồng niên hiệu Khải Định 10 (1925) có đoạn ghi: “Toàn thể các bậc bề trên kẻ dưới thôn Ninh Cầm, xã Cổ Bái, tổng Cổ Bái, huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên sùng kính tu sửa chuông lớn...”. Như vậy ngôi chùa đã có từ trước đó và đến năm 1919 được tu sửa. Trải qua thời gian, chùa đã được trùng tu nhiều lần, hiện nay di tích còn nhiều hạng mục kiến trúc mang dấu ấn của lần trùng tu lớn vào cuối thời Nguyễn.
Chùa Ninh Cầm được xây dựng trên một khu đất cao, rộng thoáng giữa trung tâm của thôn. Ngoài phần kiến trúc chùa còn có khuôn viên cây xanh bao quanh, tạo cảnh quan và sự thanh u tĩnh mịch nơi cửa thiền. Phía ngoài là hệ thống tường bao kín. Các công trình kiến trúc được bố cục hài hoà gồm: chùa chính kết cấu chữ “đinh” (Tiền đường và Thượng điện), nhà thờ Tổ, thờ Mẫu, nhà khách, nhà tạo soạn.
Toà Tiền đường năm gian xây kiểu tường hồi bít đốc mái lợp ngói ta, có 6 bộ vì kèo đỡ mái kết cấu kiểu “thượng chồng rường hạ kẻ chuyền”, nền nhà lát gạch. Thượng điện gồm hai gian một dĩ một đầu nối với gian giữa Tiền đường, với ba bộ vì kết cấu kiểu “thượng chồng rường hạ kẻ chuyền”, mái lợp ngói ta, nền lát gạch vuông.
Chùa Ninh Cầm hiện còn lưu giữ bộ sưu tập di vật quý như: bộ tượng tròn 35 pho trong đó có 25 pho tượng thổ và 10 pho tượng gỗ được phủ sơn thếp vàng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX; một tấm bia hậu niên hiệu Khải Định 4 (1919); một quả chuông đồng niên hiệu Khải Định 10 (1925). Chuông ở chùa Ninh Cầm có dáng đẹp: quai chuông được tạo bởi một đôi rồng đấu lưng vào nhau, thân chuông tạo thành bốn múi tạc hình tượng trưng cho bốn tiết xuân, hạ, thu, đông, những hình vân mây thể hiện cho càn khôn của trời đất; bốn ô chữ nhật phía dưới trang trí xung quanh diềm là hàng hoa chanh, bên trong duy nhất một ô có chữ.
Chùa Ninh Cầm đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2007./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02