Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Tào Sách (quận Tây Hồ)

Sơn Dương (t/h) 04/09/2023 16:54

Chùa Tào Sách còn có tên là chùa Linh Sơn. Nhân dân địa phương quen gọi là chùa thôn Nam hoặc chùa Nhật Tân, vì chùa toạ lạc tại thôn Nam, làng Nhật Tân, nay là phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội.

chua-tao-sach-th.jpg
Chùa Tào Sách

Trước đây chùa được đặt theo hướng đông bắc - tây nam, nay chùa được đặt theo hướng bắc - đông nam, nhìn ra hồ Tây mênh mông sông nước.

Cũng như nhiều ngôi chùa khác, chùa Tào Sách là kiến trúc tôn giáo thờ Phật, nằm trên vùng đất mang nhiều dấu ấn lịch sử xa xưa. Niên đại khởi dựng ngôi chùa hiện nay chưa tìm thấy cứ liệu chính xác, nhưng theo dòng chữ khắc trên câu đối ở đài kỷ niệm thì chùa có thể làm vào thời Tiền Lê: “Đài kỷ niệm thành năm Quý Tỵ, Chùa Tào Sách sáng than Tiền Lê”.

Hàng chữ được tạc trên bia thời Bảo Đại: “Hà Đông tỉnh, Hoàn Long huyện, thượng tổng Nhật Tân xã, Tào Sách tự - tự Tiền Lê chi sử kiến lập”. Đáng lưu tâm, là chùa Tào Sách - sơn môn của thiền phái Tào Động, mà chốn tổ khai sơn là chùa Hồng Phúc (Hoè Nhai), cùng các sơn môn khác như chùa Quảng Bá, chùa Châu Long, chùa Phổ Giác, chùa Ngũ Xã, chùa Bồ Đề, chùa Mọc (chùa Quan Nhân), chùa Trung Kính, chùa Mễ Trì Thượng, chùa Quán La.

Chùa Tào Sách là điển hình của tư tưởng tôn thờ Tam giáo và thờ cúng tổ tiên.

Chùa Tào Sách ngự trên dải 220. Tam quan chùa Tào Sách đất cao, liền kề mặt nước Hồ Tây. Chùa gồm một số công trình kiến trúc: toà Tiền đường và Tam bảo có mặt bằng hình chữ “đinh”, đài kỷ niệm, nhà Mẫu, nhà Tổ...

Toà Tiền đường là kiến trúc có 6 hàng chân cột, xây kiểu tường hồi bít đốc. Bộ vì nóc kết cấu kiểu giá chiêng kẻ ngồi, phần cốn cũng là kẻ ngồi. Toà nhà này ít được trang trí, ngoại trừ một vài môtíp hoa lá cách điệu ở chiếc kẻ hiện và đầu bẩy, phong cách xây dựng thời Nguyễn.

Đài kỷ niệm là kiến trúc nhỏ xây kề Tam bảo làm kiểu Phương đình với 2 tầng 8 mái lối chồng diêm. Vật liệu xây cốt bằng gạch với mái giả ngói ống. Bộ vì này làm thời Bảo Đại (1927). Nhà Mẫu và nhà Tổ làm kiểu tường hồi bít đốc.

Hiện vật còn lại của di tích khá phong phú, có 29 tấm bia, sớm nhất mang niên hiệu Cảnh Hưng, số còn lại của thời Nguyễn. Chùa còn giữ được một số tượng Phật, tượng Mẫu. Nhìn chung các pho tượng phần lớn có phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX - XX. Trong số tượng đó, có 3 pho Tam thế được làm nửa cuối thế kỷ XVIII là sớm hơn cả.

Chùa đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1993./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)