Chùa Ngự Câu (huyện Hoài Đức)
Chùa Ngự Câu hiện nay tọa lạc tại xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Chùa có tên chữ là Vương Lễ tự, nhân dân thường gọi tắt là chùa Câu. Đây là một ngôi chùa có kiến trúc mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.
Chùa toạ lạc trên mảnh đất cao, quay hướng tây, kết cấu theo kiểu chữ “đinh” gồm Tiền đường và Thượng điện. Tiền đường gồm 3 gian 2 chái xây theo kiểu tường hồi bít đốc, không có mái đao cong. Các bộ vì được làm theo kiểu “chồng rường” gồm các cấu kiện như hoành, xà, kẻ, cốn... Tất cả các cấu kiện này chủ yếu bào trơn, đóng bén. Thượng điện là hạng mục nối từ gian giữa Tiền đường về phía sau, các bộ vì làm theo kiểu “giá chiêng” đơn giản, không chạm khắc. Phần trang trí chủ yếu thể hiện ở bẩy, kẻ ngoài và các bức cốn với các đề tài như văn xoắn, lá thiêng cách điệu, mai, trúc hoá long, đôi khi trang trí thêm hoa văn kiểu chữ triện.
Tại toà Thượng điện, tượng Di Đà Tam tôn đặt ở vị trí cao nhất vì bộ Tam thế đã bị thất lạc. Bộ tượng này gồm pho A Di Đà ở giữa, Quan Thế Âm và Đại Thế Chí đặt ở hai bên. Pho A Di Đà tạc lớn hơn người thường, trong tư thế toạ thiền, tay kết ấn tam muội đỡ ngọc, mình khoác áo tu hành. Điều đáng quan tâm là ở phần đầu nổi trên tóc xoắn ốc lại là những hoa lá cúc cách điệu kết trên các chuỗi hạt như muốn tăng thêm uy lực linh thiêng của vị Phật này. Phía dưới đặt tượng Thích Ca sơ sinh và Phạm Thiên, Đế Thích. Tại Tiền đường có ban thờ Đức Ông với hình tượng một vị lương quan mặt đỏ. Ban thờ Thánh Tăng là hình tượng một vị cao tăng đội mũ pháp sư, được tạo tác với vẻ dân dã.
Chùa Ngự Câu còn lưu giữ được quả chuông niên hiệu thời Cảnh Thịnh (1793 - 1801) và một số di vật có giá trị khác.
Chùa đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02