Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Ngọc Đình (huyện Thanh Oai)

Sơn Dương (t/h) 02/09/2023 14:56

Chùa Ngọc Đình hiện nay tọa lạc tại xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Chùa Ngọc Đình có tên chữ là Thắng Phúc tự, trên tấm bia hậu của chùa, cho biết thôn Ngọc Đình xưa kia thuộc tổng Thuỷ Cam, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Hoà.

Ngôi chùa có nhiều di vật quý cho biết chùa đã được tu sửa nhiều lần, lần tu sửa lớn nhất vào triều Nguyễn, niên hiệu Tự Đức thứ 35 (1882). Bệ đá hoa sen thời Trần cho ta suy đoán, chùa đã có trong khoảng từ năm 1225 - 1400.

Chùa nhìn theo hướng tây nam, kiến trúc hình chữ “đinh”, song vì chùa có Thượng điện rộng nên quan sát tổng thể từ Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện ta thấy chùa lại kết cấu theo lối chữ “công”.

Ở Thượng điện, gian chính giữa bài trí bức hoành phi đề đại tự tên chùa Phúc Thắng tự, được sơn thếp tinh xảo. Dưới đại tự là y môn chạy suốt hai cột cái, chia làm 3 ô, ô giữa rộng, hai ô hai bên, phần trên là rồng chầu mặt nguyệt chạy dài suốt 3 ô, dưới là 3 ô trang trí cánh sen: ô thứ nhất trang trí rồng cuộn tròn nhưng rất hiền, ô thứ hai trang trí rồng phượng quấn quýt tạo vẻ động cho y môn, ô thứ ba cũng trang trí rồng nhưng thấp hơn ô thứ nhất. Cũng ở gian này, nhà chùa còn treo một quả chuông đồng đúc năm Minh Mệnh thứ 12 (1831). Chuông có 4 núm, chia thành 4 ô, trong các ô có khắc chữ 6 bài minh.

Bên cạnh các di vật có giá trị, chùa còn lưu giữ được hệ thống tượng với số lượng lớn và hiếm có. Trên cao nhất là ba pho Tam thế bằng gỗ, được sơn son thếp vàng công phu, tỉ mỉ, đặc tả được linh hồn của tượng Phật. Tượng có niên hiệu thời Hậu Lê. Hàng thứ hai là pho A Di Đà và Quan Thế Âm cũng được làm bằng gỗ, có niên hiệu thời Nguyễn. Tiếp theo là các pho Đại Thế Chí, Kim Đồng, Ngọc Nữ, Thiện Tải và Long Nữ đều được làm bằng đất và sơn thếp tỉ mỉ. Hàng tiếp theo là pho Thích Ca sơ sinh, phía ngoài có pho đức Thánh Tăng, Tôn Ngộ Không, ông Sấm, ông Sét, tượng Đức Ông, hai ông Hộ pháp, tượng ông Khuyến thiện cao 3,1m, ít ngôi chùa nào có tượng lớn như thế. Tượng có khuôn mặt rộng mở, to, vuông, hậu hỹ, rất nhân hậu và gần gũi với người đời. Pho Trừng ác cao 2,9m. Ánh mắt tượng, cánh môi, sống mũi hung trông dữ tợn để ngài có thể trừng trị được cái ác trên đời. Hai ông được đắp vẽ trong tư thế một võ tướng, tay cầm gươm đao, ngồi trên lưng sư tử. Đây là tác phẩm nghệ thuật đẹp và thực sự quý hiếm.

Nổi bật và có giá trị về mặt lịch sử, và nghệ thuật đó là nhang án đá có niên hiệu thời Trần. Nhang án có bệ dài 2m98, rộng 1m35 được tạo tác công phu, hiện được bài trí tại Thượng điện, được tạo tác từ chất liệu đá xanh, mịn, mát và rất đẹp. Dưới bàn tay tinh xảo của thợ đá, từng hoa văn, hoạ tiết trang trí được nổi lên sinh động và hài hoà tuyệt diệu: những bông hoa nổi gờ mềm mại, uyển chuyển; rồng uốn lượn như đang múa trên đá, công phu nhất vẫn là những dấu chấm, những nhị hoa nhỏ, những giọt nước như đang rơi...

Nhang án được chia thành nhiều tầng: tầng thứ nhất cao 13cm, có 5 viên đá dài ngắn khác nhau và bắt góc qua nhau cùng một phiến đá: nghĩa là được cưa uốn khúc. Tầng thứ hai cao 15cm, do 4 phiến đá dài ngắn khác nhau ghép khít, trên các phiến đá có hình sóng nước, hai lớp khắc chìm, sóng nước hình núi nhấp nhô, môtip lặp đi lặp lại đều nhau như những ngọn núi, dưới môtip này là các hình sóng nước nằm trải đều và uốn lượn tạo cảm giác động.

Chùa Ngọc Đình được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1989./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)