Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Nhân Trạch (quận Hà Đông)

Sơn Dương (t/h) 02/09/2023 14:53

Chùa Nhân Trạch hiện nay tọa lạc tại phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội.

chua-nhan-trach-hd.png
Chùa Nhân Trạch

Từ trung tâm thành phố Hà Nội đi về quận Hà Đông, đến ngã ba Ba La rẽ vào đường 22 đến Cầu Khâu rẽ trái khoảng 1km là tới di tích.

Chùa Nhân Trạch có tên chữ là Trúc Thánh tự. Theo người dân kể lại và những văn bia cổ cho biết, ngôi chùa dựng trước thời Mạc, niên đại này được xác định qua tâm bia có niên hiệu Đoan Thái nguyên niên (1586). Tấm bia này ghi lại việc những người đã có công đóng góp tiền của để xây dựng ngôi chùa.

Chùa có kết cấu theo kiểu chữ “đinh”, phía trước là Tam quan, sau là Tiền đường và Thượng điện. Ngoài ra, chùa còn có một số công trình phụ trợ như nhà Tổ. Tam quan chùa có ba lối đi chính tượng trưng cho nhân sinh quan của đạo Phật. Gác chuông là ngôi nhà vuông 2 tầng 8 mái đao cong, bên trên có treo quả chuông thời Tây Sơn nhưng đã bị đục chữ, đây là một di vật quý còn lưu giữ được tại chùa. Toà Tiền đường và Thượng điện có lối kiến trúc tường hồi bít đốc, vào bên trong các bộ vì được làm theo kiểu “giá chiêng, chồng rường” mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Hệ thống tượng Phật được bài trí theo phong cách truyền thống với 5 lớp tượng được làm từ đất luyện và gỗ. Lớp thứ nhất là bộ Tam thế, tượng trưng cho ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai. Lớp thứ hai là A Di Đà; lớp thứ ba là pho Thiên thủ thiên nhãn; lớp thứ tư là pho Ngọc Hoàng và lớp thứ năm là pho Cửu long. Ngoài ra, tại Tiền đường còn có tượng Khuyến thiện và Trừng ác. Tất cả các pho tượng trong chùa đều mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Chùa Nhân Trạch đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1986./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)