Bước chuyển mạnh mẽ của kinh tế tập thể
Tin tức - Ngày đăng : 06:50, 23/12/2020
Giai đoạn 2016 - 2020, số lượng HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác (THT) tăng hằng năm, đa dạng về loại hình và lĩnh vực hoạt động, phát triển đều khắp ở các địa phương, gắn với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng thăm quan Triển lãm thành tựu phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2016 - 2020
Đến nay, cả nước đã có 26.040 HTX, 100 liên hiệp HTX và 119.000 THT. Các HTX, liên hiệp HTX, THT thu hút hơn 8,1 triệu thành viên hộ cá thể, cá nhân và doanh nghiệp tham gia thành viên, tăng 4,5% so với năm 2015 và chiếm 33% tổng số hộ cá thể ở địa bàn nông thôn; tác động trực tiếp đến đời sống, thu nhập và sức mua của gần 30 triệu người.
Đáng chú ý, số HTX hoạt động hiệu quả chiếm 59% tổng số HTX, tăng 3 lần so với năm 2015. Hiện, 96% HTX đã được chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động, phù hợp các quy định của Luật HTX năm 2012. Quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên; những tồn tại, yếu kém kéo dài của HTX cơ bản được khắc phục.
Số lượng HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của quốc gia, vùng, địa phương ngày càng tăng; liên kết sản xuất giữa các HTX với nhau, với THT và với doanh nghiệp ngày càng mở rộng và phát triển. Cả nước có 1.700 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, 3.219 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, tăng 6,8 lần so với năm 2015.
Kinh tế tập thể, HTX đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cùng với kinh tế Nhà nước dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt, đã đóng góp trực tiếp khoảng 4,8%, gián tiếp trên 30% GDP cả nước trên cơ sở giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên; thu hút hơn 3 triệu lao động, tạo hơn 40.000 việc làm mới hằng năm.
Nhận diện khó khăn, thách thức
Dù đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong giai đoạn 2016 - 2020, tuy nhiên, kinh tế tập thể, HTX vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Số lượng HTX, liên hiệp HTX, THT tăng so với giai đoạn trước, nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Kinh tế tập thể, hợp tác xã tạo chuyển biến tích cực trong phát triển nông nghiệp, nông thôn
Số hộ cá thể tham gia HTX tăng chậm. Tỷ lệ lớn HTX có qui mô nhỏ, năng lực tài chính yếu. Chất lượng nguồn nhân lực thấp; thiếu thông tin và khả năng tiếp cận nguồn lực thị trường; công nghệ lạc hậu. Khả năng xúc tiến thương mại còn hạn chế; chưa gắn kết chặt chẽ lợi ích giữa HTX với thành viên.
Một số HTX, liên hiệp HTX chưa chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012, ngừng hoạt động nhưng chưa giải thể; một số HTX hoạt động kém hiệu quả, hình thức, chưa đúng với bản chất HTX kiểu mới. Số lượng HTX quy mô lớn chưa nhiều; sự liên kết, hợp tác giữa các HTX với nhau theo mô hình liên hiệp HTX và liên kết với doanh nghiệp đạt hiệu quả bước đầu.
Lý giải về nguyên nhân những hạn chế, Ban Chấp hành Liên minh HTX Việt Nam khóa V đánh giá: Nhận thức về bản chất, vai trò, vị trí của kinh tế tập thể, HTX trong phát triển kinh tế - xã hội của một số cấp ủy và chính quyền địa phương, người dân chưa đầy đủ, chưa thống nhất, vẫn còn hiện tượng mặc cảm với HTX. Các ngành, lĩnh vực và sản phẩm trong nền kinh tế, nhất là lĩnh vực nông nghiệp chưa liên kết theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.
Cùng với đó, một số quy định của Luật HTX năm 2012 chưa phù hợp với thực tế; quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, HTX còn bất cập; chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với HTX thiếu đồng bộ, nguồn lực hỗ trợ phân tán ở nhiều kênh, cùng với đó, tập quán tổ chức sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết còn phổ biến, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Quyết liệt thực hiện 5 chương trình hành động
Trong giai đoạn 2020 - 2025, Liên minh HTX Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, liên hiệp HTX, THT, mang lại lợi ích kinh tế và phúc lợi xã hội ngày càng cao cho thành viên; thu hút phần lớn hộ cá thể ở địa bàn nông thôn, kể cả hộ cá thể ở địa bàn thành thị và thành phần kinh tế khác tham gia HTX, liên hiệp HTX, THT; từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong nền kinh tế quốc dân.
Đại hội Liên minh HTX Việt Nam lần thứ VI đề ra 5 chương trình hành động cụ thể nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển trong giai đoạn 2020 - 2025
Hệ thống liên minh HTX Việt Nam phấn đấu nâng mức thu nhập của thành viên HTX tăng bình quân 6%/năm trở lên. Hằng năm, xây dựng từ 300 - 500 mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương. Tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 70%, trong lĩnh vực phi nông nghiệp đạt 80%; tỷ trọng đóng góp vào GRDP của các địa phương và GDP của cả nước từ 5% trở lên.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, để thực hiện phương hướng, mục tiêu nêu trên, với vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, HTX; hệ thống Liên minh HTX Việt Nam tập trung, quyết liệt thực hiện có hiệu quả 10 nhiệm vụ chủ yếu được cụ thể hoá trong 5 Chương trình hành động.
Thứ nhất, đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, chính sách của cấp ủy và chính quyền địa phương về phát triển kinh tế tập thể, HTX và thu hút thành viên.
Thứ hai, nâng cao năng lực và hiệu quả thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên; tham gia Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và Tổng kết 10 năm thực hiện Luật HTX năm 2012 để đề xuất chủ trương, chính sách và pháp luật phát triển kinh tế tập thể, HTX trong thời kỳ mới.
Thứ ba, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để kết nối với thành viên là HTX, liên hiệp HTX, THT, doanh nghiệp và tổ chức khác. Nâng cao năng lực, hiệu quả tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ cho thành viên, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, HTX và hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam.
Thứ tư, đẩy mạnh xây dựng, phát triển HTX quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương thông qua việc tham gia thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, chương trình, nhiệm vụ về phát triển kinh tế tập thể, HTX được Chính phủ, chính quyền địa phương giao, ủy thác.
Thứ năm, củng cố, đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam. Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, tăng cường trách nhiệm của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam. Thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, HTX, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với khu vực kinh tế tập thể, HTX. Đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ cho cán bộ, người lao động hệ thống Liên minh HTX Việt Nam.