Chùa Miêng Hạ (huyện Ứng Hòa)
Chùa Miêng Hạ hiện nay tọa lạc tại xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
Chùa Miêng Hạ (Đại Bi tự) là công trình kiến trúc cổ nằm trong cụm di tích đình - đền - chùa Miêng Hạ. Chùa gồm các hạng mục: Tiền đường, Thượng điện, gác chuông, nhà Mẫu, nhà Tổ. Đây là ngôi chùa cổ, văn bia trùng tu chùa cho biết thời kỳ xây dựng chùa vào năm Cảnh Hưng thứ 14 (1753).
Gác chuông là một công trình độc đáo làm kiểu tam quan, đón khách hành hương vào chiêm bái cửa Phật. Diện tích kiến trúc 7m x 7m kết cấu kiểu hai tầng tám mái trên bốn trụ chính, bộ vì làm theo kiểu thức chồng diêm. Trên tầng hai treo quả chuông đồng đúc năm Cảnh Thịnh thứ 4 (1796). Trong bài minh trên quả chuông đã ca ngợi cảnh đẹp của chùa và ghi những người có tâm công đức đúc chuông. Trên nền gác chuông có tấm bia “Tự hậu bi ký” tạo năm Cảnh Hưng thứ 12 (1751). Đặc biệt bia “Trùng tu Đại Bi tự” nói về lý do dựng chùa và tấm lòng của nhân dân Nghiêm Xá (nay là Miêng Hạ) với đức Phật. Bia còn cho biết danh giới của làng.
Chùa chính kết cấu kiểu chữ “đinh”, năm gian Tiền đường, ba gian Thượng điện, xây tường hồi bít đốc. Ngôi chùa hiện còn những dấu tích của thế kỷ XVIII, thể hiện trên những vì kèo kẻ suốt và những chi tiết trang trí.
Hệ thống tượng Phật trong Thượng điện được đặt theo nguyên tắc bài trí tượng Phật truyền thống của Phật giáo Đại thừa. Có nhiều pho tượng cổ như bộ Tam thế, A Di Đà, Phật bà Quan Âm. Đặc biệt ở chùa còn có pho tượng Thích Ca nhập Niết bàn.
Ngoài hệ thống tượng thờ, chùa còn bảo lưu được nhiều di vật quý như sập thờ, hương án, bình hương... Sập thờ chùa Đại Bi là một tác phẩm nghệ thuật thời Lê quý hiếm. Phía mặt trước trang trí nhiều lớp hoa văn, chạm bong kênh, chạm lộng, nhiều tầng lớp sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Chùa Miêng Hạ đã được Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật (cụm di tích đình - đền - chùa Miêng Hạ) năm 1993./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02