Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Mậu Hoà (huyện Hoài Đức)

Sơn Dương (t/h) 03/09/2023 09:34

Chùa Mậu Hoà hiện nay tọa lạc tại xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

chua-mau-hoa.jpg
Chùa Mậu Hòa

Chùa có tên chữ là Địa Linh tự, nằm ở chân đê sông Đáy.

Tam quan ngoại với 2 cột đồng trụ cao to với 3 lối đi chính gồm 1 lối đi giữa và hai lối đi phụ nhỏ hơn đắp mái giả ngói ống đắp đao cong. Tam quan nội làm theo kiểu chồng diêm 2 lớp mái, tường hồi bít đốc. Bộ khung là các cấu kiện thanh mảnh, chủ yếu để trơn, mặt trong của 2 đầu bẩy gian giữa chạm rồng, trúc hoá long và xích đông đỡ, chia đôi bộ tứ linh. Thượng lương ghi Tam quan được kiến tạo năm Bảo Đại thứ 13 (1938). Tầng trên của Tam quan này treo quả chuông Mậu Hoà linh tự đúc năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800), 4 ô dưới đắp nổi tứ linh. Gian phải treo khánh đồng đúc năm Tự Đức 35 (1882), trên khánh đúc nổi 6 chữ: Địa Linh tự, Mậu Hoà xã, mỗi mặt khánh có núm đánh hình mặt trời trên sóng nước, xung quanh có 5 con dơi tượng trưng cho ngũ phúc.

Qua Tam quan nội là tới sân chùa. Vị trí này trước đây có một toà nhà vuông nhưng nay chỉ còn lại dấu tích là các tảng đá kê chân cột. Bên trái sân là nhà Mẫu làm theo kiểu hành lang 3 gian. Sau sân là khu Tam bảo gồm Tiền đường 5 gian tường hồi bít đốc với 2 mái chảy. Các bộ vì được đặt trên 5 hàng chân cột. Cấu trúc các bộ vì này khá đơn giản. Căn cứ vào câu đầu bên phải cho biết chùa được tu sửa năm Cảnh Thịnh thứ 7 (1799). Toà Thượng điện cấu trúc đơn giản, chỉ còn lại 2 bức cốn mê chạm hình tứ linh. Toà Tiền đường còn 2 tấm bia đá, tấm bia ở hồi phải hình chữ nhật đặt trên đế khối hộp, phần trên chạm rồng chầu mặt trời, mặt sau chạm đôi phượng chầu. Tấm bia này có niên hiệu Chính Hoà thứ 5 (1684). Căn cứ vào tấm bia này được biết, ngày ấy có ông Đức Nghĩa, người bản thôn thụ chức quan Nội giám, hàm Đắc tiến kim tử vinh lộc đại phu đã cùng nhân dân hưng công xây dựng lại chùa Địa Linh. Hồi bên trái có tấm bia cao đặt trên lưng rùa được tạo hình khá thực. Trên tấm bia có bài văn: Mậu Hoà xã tu tạo bi, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) cho biết năm 1789, ba giáp sửa miếu thần và quay hướng tây, năm 1799 sửa chính điện, trung điện và Tiền đường 5 gian, lại làm án tiền, tô tượng và mua nhiều đồ tế khí. Ngoài ra, trên tấm mộc bản viết năm 1797 ghi về việc một gia đình cúng vào chùa 1 án thư, đôi hạc gỗ và đôi cây nến, đôi lư hương...

Trong chùa còn lưu giữ 22 pho tượng và nhiều đồ thờ quý. Nếu bộ tượng Hộ pháp, Đức Ông cùng pho Nam Tào, Bắc Đẩu, Phạm Thiên, Đế Thích... mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn thì một số tượng khác như pho Tam thế, Di Đà Tam tôn, Quan Âm chuẩn đề, Di Lặc và Tuyết Sơn lại mang phong cách thời Tây Sơn.

Chùa Mậu Hòa đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1994./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)