Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Mạch Tràng (huyện Đông Anh)

Sơn Dương (t/h) 03/09/2023 09:28

Chùa Mạch Tràng có tên chữ là Quang Linh tự, hiện thuộc thôn Mạch Tràng, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.

chua-mach-trang-da.jpg
Chùa Mạch Tràng

Mạch Tràng là một trong 8 xã thường gọi là Bát xã hộ nhi, là các xã cổ phụng thờ và tổ chức lễ hội Cổ Loa để tưởng niệm An Dương Vương Thục Phán (người đứng đầu nước Âu Lạc, người đã xây dựng nên kinh đô Cổ Loa nổi tiếng).

Theo truyền tích dân gian, Mạch Tràng có tên địa danh của quần cư cổ từ thời vua Thục Phán chọn đô xây thành Ốc. Vua đã ban cho nhân dân nơi đây giống lúa mới để trồng và đặt kho lương ở đây. Truyền tích khác có nói đến nghề bún nổi tiếng nơi này: “bún cần” lễ hội mừng vua, bún ăn sêu bà chúa tháng 8 (lễ ăn hỏi của công chúa Mỵ Châu)... do vậy thành tên địa danh vì bún từ gạo, từ mạch được làm thành. Theo một truyền tích khác lại nói đến việc địa danh này xuất phát từ chữ trường theo nghĩa là trường học: khi xây dựng kinh đô nước Đại Việt thế kỷ X, Ngô Quyền đã lấy nơi đây làm trường học của quốc gia. Theo các nguồn sử liệu dân gian, thì nơi đây cổ xưa đã có quần cư đông đúc và một vốn văn hoá sầm uất. Cùng với việc định cư lâu đời của cư dân, chùa cũng được xây dựng và phát triển. Khảo cứu qua kiến trúc và các di vật đồ thờ của chùa với niên đại thế kỷ XIX, một số di vật thời Hậu Lê thế kỷ XVIII và điều kiện để đoán định: ít nhất chùa đã ra đời từ thời Lê Trung hưng thế kỷ XVIII. Cũng như đại đa số các chùa làng khác, chùa Mạch Tràng thờ Phật, cúng Mẫu.

Trong các vị hậu của chùa Mạch Tràng có một vị là công chúa, là con của chúa Trịnh đã có công cúng tiền, của làm chùa. Kiến trúc của chùa duy trì lối quy hoạch nội công ngoại quốc rất đồ sộ, sầm uất. Chùa có quan tâm của chính quyền phong kiến cấp trên và ít nhiều đã vượt ra khỏi vị trí của một ngôi chùa làng, là di tích hoành tráng và tầm cỡ trong vùng. Cổ xưa, các tư liệu hồi cố của nhân dân có nói đến việc chùa có các lễ hội lớn chạy đàn, giảng kinh. Chùa không chỉ làm nơi thờ cúng mà còn là cơ sở truyền dạy thụ giới của các sư, tiểu trong vùng, nơi đi hạ, đăng đàn, thỉnh kinh của Phật giáo. Vào thời gian từ 1946 đến 1949, chùa được dùng làm trụ sở của ủy ban kháng chiến Miền Bắc.

Tổng thể các công trình kiến trúc của chùa gồm Tam quan, gác chuông, chùa chính, nhà dải vũ hai bên, nhà thờ Tổ, điện Mẫu. Các công trình bố trí quy mô và quy hoạch hài hoà trong một khuôn viên rộng với vườn cây quanh năm xanh tốt. Di vật trong chùa rất phong phú và đa dạng, đặc biệt là các pho tượng Phật, Hậu, Mẫu là các tác phẩm điêu khắc rất đẹp, cùng với hơn 10 bia đá cổ, 7 bức võng gỗ thiều châu được chạm khắc tỉ mỉ và có giá trị nghệ thuật cao.

Hiện nay, di tích đã được đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo để ngày thêm khang trang. Kề sát với chùa là đình, do vậy quần thể di tích chùa Mạch Tràng là cụm di tích lớn có giá trị ở Đông Anh và Hà Nội.

Chùa Mạch Tràng đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1997./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)