Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Linh Quang và đền Trúc Lâm (huyện Gia Lâm)

Sơn Dương (t/h) 04/09/2023 08:49

Chùa Linh Quang và đền Trúc Lâm còn có tên là Linh Quang tự và Trúc Lâm đài ở thôn Công Đình, xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

chua-linh-quang-gl.png
Chùa Linh Quang
den-truc-lam-gl.jpg
Đền Trúc Lâm

Đền, chùa có lịch sử xây dựng khá sớm, tư liệu chính xác nhất là tấm bia niên hiệu Cảnh Hưng 7 (1746) và sắc phong ở đền niên hiệu Cảnh Hưng 1 (1740).

Đền Trúc Lâm gồm Tam quan theo kiểu tứ trụ, hai cột đồng trụ lớn, đỉnh đắp đôi nghê chầu nhau. Đền chính 3 gian, mái lợp ngói bò. Kết cấu có 4 vì kèo kiểu thượng rường hạ kẻ, các bức ván mê có trang trí hoa văn xoắn, hoa lá trên nền vân triện. Đầu kẻ trang trí lá hoá rồng phong cách cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Hậu cung 2 gian, không gắn liền với đại đền nên ở gian giữa có các bức cốn mê chạm rồng vờn mây, sóng nước, thân uốn gấp khúc, vẩy thể hiện ra như vẩy cá chép. Cửa võng chạm kiểu chân quỳ dạ cá, đề tài tứ linh, hoa lá, sơn son thếp vàng làm cho điện thờ trang nghiêm lộng lẫy. Hai bên hương án có 4 pho tượng đứng chầu.

Chùa Linh Quang gồm chùa chính, nhà Tổ, điện thờ Mẫu.

Tiền đường 3 gian giữa cửa bức bàn, hai gian bên xây tường bao trổ cửa sổ, kết cấu theo kiểu thượng rường hạ kẻ và thượng rường hạ bẩy. Các đầu bẩy con rường và xà trang trí vân xoắn lớn, hoa lá và các yếu tố tự nhiên biểu hiện nguồn nước.

Điện Phật bố trí như các loại chùa phổ biến khác nhưng đáng quan tâm hơn cả là bộ tượng Tam thế với vẻ đẹp tự nhiên, biểu hiện quý tướng thông minh sáng láng phảng phất khuôn mặt nữ tính, áo cà sa mềm mại bắt qua vai, yếm chảy thành hình vòng cung trước ngực, toà sen 3 lớp cánh. Pho A Di Đà má bầu và xị hơn, tai tượng lớn dày biểu hiện sự sang trọng phú quý. Đẹp nhất là pho tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn có 12 đôi tay biểu hiện pháp lực vô biên của đức Quan Âm, gần gũi phong cách thế kỷ XVII, áo cà sa nhiều vạt vắt chảy qua vai, cánh tay rơi buông xuống lòng đùi. Chùa có 40 tượng Phật, 1 chuông đồng đúc năm Minh Mạng thứ 5 (1824), bia hậu niên đại Cảnh Hưng thứ 7 (1746).

Đền và chùa xây dựng ở vùng cảnh quang thoáng đãng, cạnh một con sông, kiến trúc quy mô tuy không lớn, mang dấu ấn thời Nguyễn nhưng có nhiều mảng chạm đẹp.

Đền và chùa đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích tích kiến nghệ thuật năm 1992./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)