Chùa Linh Ứng (quận Long Biên)
Chùa Linh Ứng hiện nay tọa lạc tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội.
Chùa có tên là Linh Ứng tự, thường được gọi theo địa danh là chùa thôn Ngô. Thôn Ngô là một trong 4 thôn, xưa thuộc xã Cự Linh, Thạch Bàn, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Từ năm 1961, Gia Lâm thuộc Hà Nội và tới cuối năm 2003 một phần đất Gia Lâm chuyển thành quận Long Biên, trong đó có Thạch Bàn.
Đến chùa, công trình đầu tiên là Tam quan, nằm sát cạnh đường ven làng. Đây là kiến trúc xây 2 tầng, có 3 cửa vào, dựng theo kiểu cuốn vòm.
Ngôi chùa chính được xây dựng nhìn về hướng đông nam, có mặt bằng hình chữ “đinh”, đặt trên nền cao khoảng 1 mét so với mặt sân, bao gồm: Tiền đường 5 gian, 2 dĩ, tường hồi bít đốc với trụ biểu được đắp vẽ trang trí ở phía trước; Thượng điện 3 gian, mái lợp ngói ta.
Qua thời gian tồn tại khá dài, những dấu tích vật chất trên kiến trúc chùa Linh Ứng chỉ còn mang niên đại cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, có lẽ đó là lần trùng tu lớn cách đây hơn 100 năm. Hiện vật đáng kể là một quả chuông đồng treo tại Tiền đường, có niên hiệu Thành Thái thứ 13 (1901). Chuông có kích thước không lớn (cao 65cm, đường kính miệng 46cm, quai 27cm) nhưng khá đẹp về hình dáng và tỷ lệ. Quai là một đôi rồng đấu thân đuôi vào nhau, vai chuông có bốn chữ Hán nổi “Linh Ứng tự chung” (chuông chùa Linh Ứng), từng chữ đặt trong khuôn hình lá đề kép. Ở trước Thượng điện còn có 1 hoành phi, 1 đôi câu đối và 2 cửa võng là những hiện vật từ xưa được lưu giữ và sơn thếp lại. Ngoài ra, tại Tam quan còn treo quả chuông lớn và 2 khánh đồng được đúc nhân đợt tu bổ gần đây.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, được các nhà sư trụ trì hết lòng giúp đỡ, địa điểm chùa thôn Ngô trở thành nơi gặp gỡ, hội họp bí mật của các cán bộ cách mạng, nơi xuất phát của nhiều trận đánh Pháp ở khu vực Gia Lâm, nơi có hầm bí mật (tại Thượng điện) che giấu cán bộ hoạt động chống Pháp.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chùa và đình thôn Ngô là nơi chứa quân nhu, lương thực, súng đạn của đơn vị 205 Tổng cục Hậu cần, cung cấp cho chiến trường miền Nam trong suốt những năm 1967 - 1972.
Chùa Linh Ứng đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1995./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02