Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Liên Phái (quận Hai Bà Trưng)

Sơn Dương (t/h) 04/09/2023 08:24

Chùa Liên Phái ở trong ngõ Liên Phái, phố Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

chua-lien-phai-hbt(1).jpg
Chùa Liên Phái

Khi mới xây dựng vào năm Bính Ngọ (1726), niên hiệu Bảo Thái thứ 7 triều vua Lê Dụ Tông, chùa có tên là Liên Hoa, năm Quý Sửu (1733) đổi tên là chùa Liên Tông. Đến đời vua Thiệu Trị (1841 - 1847) vì phải kiêng huý vua nên đổi tên gọi là chùa Liên Phái.

Chùa Liên Phái do Lan Giác thượng sĩ (có tài liệu gọi là Đệ nhất tổ Như Trừng) khởi công tạo dựng năm Bính Ngọ (1726).

Trước khi xuất gia, Lân Giác thượng sĩ, tên tục là Trịnh Thập con của Tấn Quang vương Trịnh Bính; là em ruột chúa Trịnh Cương (1709 - 1729); là phò mã, lấy công chúa thứ tư của vua Lê Hy Tông (1675 - 1704).

Trịnh Thập có phủ đệ riêng ở phường Hồng Mai (sau đổi là Bạch Mai). Một hôm Trịnh Thập sai gia nhân đào đất ở phía sau nhà thì thấy một ngó sen lớn và cho đó là điềm lành báo phải xuất gia, bèn cho sửa phủ đệ thành chùa (“hoá gia vi tự”), đặt tên là chùa Liên Hoa để hàng ngày tham thiền, tụng kinh Phật. Sau đó Trịnh Thập đã đến chùa Long Động (còn gọi là chùa Lân) ở Yên Tử, Quảng Ninh học đạo Hoà thượng Tuệ Đăng và được ban pháp danh Lân Giác - Như Trừng. Một thời gian sau Lân Giác hoà thượng trở lại chùa Liên Hoa mở trường thuyết pháp độ nhân, có tới vài trăm người đến quy y thụ giáo. Lân Giác hoà thượng mất năm Quý Sửu (1733) ở tuổi 37, và được các đệ tử làm lễ hoả thiêu, dựng tháp đặt xá lỵ, dựng tượng để tôn thờ làm tổ thứ nhất của dòng Liên Tông (Hoa Sen). Từ đó chùa có tên là chùa Liên Tông.

Chùa Liên Phái đã được tu sửa nhiều lần. Đợt sửa chữa lớn nhất vào năm Ất Mão (1855) dưới thời vua Tự Đức, để sửa nhà Tổ, nhà tăng, hành lang tả hữu, tô tượng Phật... Công việc tiến hành trong 6 năm mới hoàn thành. Đến năm Kỷ Tỵ (1869) lại làm thêm gác chuông, xây tường bao quanh, quy mô rộng lớn.

Hai bên cổng chùa là hai hồ rộng. Trước chùa có tháp Diệu Quang hình lục lăng cao 10 tầng, có kiến trúc cổ kính thanh nhã. Qua sân đến nhà bia, còn lưu giữ được - tấm bia ghi sự tích chùa và các lần tu sửa, ghi tên những người quyên góp công đức. Qua sân rộng, đến Bái đường và Tam bảo là nơi thờ Phật. Từ Tam bảo qua một sân nhỏ là đến nhà Tổ. Phía sau nhà Tổ là khu vườn tháp trên một nền đất cao, một gò đất lớn có 9 ngôi tháp sắp xếp thành 3 hàng. Trong những ngôi tháp đó có ngôi tháp bằng đá xanh hình tứ giác cao 5 tầng có dòng chữ “Cứu Sinh tháp”. Tương truyền đây là nơi đặt xá lỵ vị sư tổ thứ nhất Lân Giác thượng sĩ. Trong lòng tháp có bài vị của Tổ Cứu Sinh. Đây là ngôi tháp cổ nhất nổi tiếng trong vườn tháp chùa Liên Phái.

Trong chùa còn có hai dẫy nhà tăng, ở phía bên trái chùa chính có toà Pháp bảo (tàng kinh), điện thờ Mẫu, phòng trai giới...

Trong chùa Liên Phái, ngoài hệ thống tượng Phật, còn có tượng Thượng sĩ Lân Giác, một quả chuông có chữ “Liên Tông tục diễm” (Liên Tông kế tục toả sáng) nét chữ thời Lê Trung hưng. Ngoài ra còn có nhiều di vật lịch sử văn hoá đa dạng có giá trị như nhiều bia đá, tượng đá, nhiều hương án, câu đối hoành phi, tranh gỗ, cuốn thư chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng...

Chùa Liên Phái, tháp Cứu Sinh đã trên 280 năm tuổi. Đây là ngôi tháp vào hàng cổ nhất trong khu vực nội thành Hà Nội. Quy mô hiện nay của chùa không khác gì mấy so với lần sửa chữa lớn giữa thế kỷ XIX.

Chùa Liên Phái đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1962./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)