Thế giới điện ảnh

Hà Nội thời chiến - Bao giờ có thêm phim điện ảnh?

Hoài Hương 07:40 04/09/2023

Lịch sử Hà Nội - Đông Đô - Thăng Long hơn 1000 năm nhiều thăng trầm với bao cuộc kháng chiến chống ngoại xâm từ thời Lý - Trần - Lê - Nguyễn, có thể nói là đề tài làm phim không bao giờ cạn kiệt.

Riêng lịch sử Hà Nội tính từ Cách mạng tháng Tám 1945 cho đến 1975 cũng là đề tài vô cùng phong phú và nhiều cảm hứng với các nhà làm phim truyện điện ảnh. Nhưng nhìn lại, trong vòng 77 năm, tính từ tháng 9/1945 đến nay, số phim có thể đếm trên đầu ngón tay. Và phim đề tài Hà Nội thời chiến vẫn là một sự trông đợi của khán giả đối với các nhà làm phim Việt Nam.

50 năm, 48 năm, 20 năm trước và… hôm nay

Tháng 12/2022, kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, vốn liếng phim truyện điện ảnh về đề tài này vỏn vẹn có 2 phim. Một phim sản xuất cách đây 48 năm: “Em bé Hà Nội”- 1974, một phim cách đây 20 năm: “Hà Nội-12 ngày đêm” - 2002…

48 năm trước, phim “Em bé Hà Nội” - Hãng phim truyện Việt Nam, đạo diễn NSND Hải Ninh, kịch bản phim do Hải Ninh, Hoàng Tích Chỉ, Vương Đan Hoàng hoàn thành chỉ trong ba ngày từ những thực tế trải nghiệm của ba người suốt 12 ngày đêm Hà Nội “đất rung, ngói tan, gạch nát” bởi bom B.52 - chiến dịch Linebacker II - Sút bóng trước khung thành của đế quốc Mỹ, nhằm chiếm ưu thế ép hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris.

Với sự tham gia diễn xuất của Lan Hương (lúc đó 10 tuổi), Thế Anh, Trà Giang, Hà Văn Trọng, phim xoay quanh hành trình bé gái Hà Nội từ nơi sơ tán về thành phố tìm bố, là một sĩ quan bộ đội tên lửa, khi nhà em ở Khâm Thiên đã bị bom B.52 rải thảm, thất lạc mẹ và em gái... Phim đen trắng theo phong cách quay tài liệu, bối cảnh chuyện phim diễn ra tại những địa điểm từng bị đánh bom chưa được khôi phục. Công chiếu lần đầu vào năm 1974, phim “Em bé Hà Nội” đã trở thành "bom tấn", được mang đi tham dự nhiều liên hoan phim trong nước và nước ngoài. Phim đã đoạt giải Bông Sen vàng Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần 3, năm 1975, Giải đặc biệt của Ban giám khảo LHP Quốc tế Moscow năm 1975, giải thưởng của Mặt trận Giải phóng Palestine tại LHP Quốc tế Syrie. Đây cũng là một phim “kinh điển” của điện ảnh cách mạng Việt Nam, được các nhà phê bình chuyên môn về điện ảnh đánh giá là “viên ngọc quý của điện ảnh cách mạng”.

30 năm sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, phim “Hà Nội 12 ngày đêm” - Hãng phim truyện Việt Nam - 2002, cũng thuộc loại “bom tấn” bởi quy mô những người tham gia vào phim toàn những tên tuổi nổi tiếng thời đó: Tổng đạo diễn NSND Bùi Đình Hạc, các phó đạo diễn gồm: Khắc Lợi, Lê Thi, Bùi Trung Hải, 5 nhà biên kịch: Đinh Thiên Phúc, Hồ Phương, Hữu Mai, Chu Lai, Nguyễn Thị Hồng Ngát. Phim còn có dàn diễn viên cực chất: Chiều Xuân, Quốc Tuấn, Xuân Tùng, Mai Thu Huyền, Hoàng Nhật Mai, nhà văn Kim Lân, nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Phim tái hiện lại một trong những huyền thoại của cuộc kháng chiến chống Mỹ: Tên lửa phòng không của quân và dân Hà Nội đã chiến thắng pháo đài bay B.52 chiến lược “bất khả bại” của không lực Mỹ, một tác phẩm hoành tráng về cuộc chiến tranh đầy máu lửa, được tái hiện một cách trực diện, có sức khái quát cao. Bên cạnh đó phim còn tập trung khắc họa hình tượng tập thể, sức mạnh cộng đồng, tinh thần anh dũng hy sinh, ý chí kiên cường bất khuất của mỗi cá nhân người Hà Nội góp vào làm nên gương mặt dân tộc Việt Nam trong một cuộc chiến tàn khốc. Các nhà làm phim kể câu chuyện nhiều tầng, nhiều lớp, đa cốt truyện, ngoài cốt truyện và sức mạnh của ngẫu nhiên được chú trọng, đan xen yếu tố sử thi và đời thường, xen hùng ca, bi ca và tình ca giữa ác liệt của chiến tranh và sự thanh bình... Thời gian, không gian xáo trộn, song hành hiện thực và biểu trưng…

poster-phim-ha-noi-thoi-chien.jpg

Phim khởi quay từ năm 1997, đến tháng 4/1999 thì xong tất cả các cảnh ở Việt Nam, rồi mang ra nước ngoài làm kỹ xảo vi tính và âm thanh, đến 2002 mới hoàn thành. Kinh phí đầu tư trên 7 tỷ đồng và cũng là tác phẩm đầu tiên sử dụng những cảnh quay kỹ xảo vi tính, sử dụng âm thanh vòm lập thể ở nước ngoài. Lần đầu tiên trong phim truyện Việt Nam, công chúng được tận mắt nhìn những cảnh chiến tranh hiện đại trên không, được mô tả từ nhiều góc quay kỹ xảo mới lạ và có hiệu ứng đặc biệt.

Phim đã đoạt giải Khuyến khích của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2002 và được mang đi chiếu ở các LHP quốc tế Fukuoka - Nhật Bản - 2003, LHP Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 48 tại Iran, LHP Quốc tế Cairo lần thứ 27…

77 năm, 46 năm, 25 năm… chưa phá kỷ lục “độc thân”

Hình ảnh Thủ đô Hà Nội những ngày mùa thu tháng 8/1945 và Quốc khánh 2/9/1945, hay hình ảnh Hà Nội sau lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946 cùng với hơn 60 ngày quân và dân Hà Nội “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, trong phim truyện điện ảnh cũng rất hiếm, chỉ có 2 phim được sản xuất cách đây 46 năm - phim “Sao tháng Tám”- 1976, 25 năm - phim “Hà Nội mùa đông năm 46” - 1997. Và cho đến hôm nay, hai phim này vẫn đang giữ kỷ lục “độc thân”, chưa có phim truyện điện ảnh nào về đề tài này được sản xuất.

Mất đúng 30 năm, điện ảnh cách mạng Việt Nam mới có một phim truyện nhựa “Sao tháng Tám”, đạo diễn Trần Đắc - 1976, bối cảnh lịch sử trong phim là từ tháng 2 - tháng 8/1945 tại Hà Nội. Phim hiện đang giữ “kỷ lục” 46 năm chưa có thêm bộ phim truyện nhựa nào sâu sắc, xúc động, hấp dẫn, và nhất là phản ánh tập trung vào chuyển động lịch sử những ngày tháng 8/1945 lịch sử như trong phim này.

Với sự đan cài khéo léo các tuyến nhân vật, các chi tiết, ở đó nhiều loại nhân vật, từ người nông dân đến trí thức, từ người cách mạng đến những kẻ đang tâm câu kết với kẻ thù. Câu chuyện trong “Sao tháng Tám”, lấy bối cảnh những ngày sôi sục trước Cách mạng Tháng Tám, giữa lúc nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu (1945) đang lan tràn khắp nơi. Giữa cuộc đối đầu đang chực chờ bùng nổ của một dân tộc nghèo đói nhưng bất khuất kiên cường, không chịu nỗi nhục nô lệ, với những kẻ xâm lược, là cuộc đấu tranh từng giờ từng phút giữa những chiến sĩ cách mạng với những tên chỉ điểm nguy hiểm, những gã mật thám cáo già của Pháp - Nhật…

Và đáng nói nhất là cảnh các tầng lớp nhân dân Hà Nội đồng loạt nổi dậy chiếm phủ Khâm Sai. Nông dân, thợ thuyền, trí thức và thậm chí cả binh lính cũng quăng súng nhập vào dòng người cách mạng đứng lên giành chính quyền dưới sự lãnh đạo của Việt Minh. Cảnh lá cờ của thực dân xâm lược bị vứt xuống từ cột cờ trong dinh lũy cuối cùng được thay vào lá cờ đỏ sao vàng phấp phới, đánh dấu sự chấm hết của thời kỳ thuộc địa phong kiến, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam. Đó là giờ phút trọng đại vào bậc nhất trong lịch sử của Hà Nội và cũng là của dân tộc. Giờ phút đó, thiêng liêng và vinh quang đã khắc vào phim như một dấu ấn vĩ đại và bất tử…

Phải tới hơn 50 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”, năm 1996 đạo diễn Đặng Nhật Minh, sau khi tìm đọc tác phẩm “Sống mãi với Thủ đô” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, quyết định làm phim “Hà Nội mùa đông năm 46”, đến ngày 12/12/1997 phim được công chiếu. Nội dung phim xoay xung quanh một thời khắc quan trọng khác trong lịch sử Hà Nội, cuộc đàm phán trong Hội nghị Fontainebleau tại Pháp thất bại, Hồ Chủ tịch ký tạm ước với Pháp để tranh thủ thời gian chuẩn bị đối phó với tình hình. Sau 60 ngày đêm chiến đấu, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ thu hút lực lượng thực dân Pháp, giam chân trong Hà Nội, để Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ rút lui chiến lược từ Hà Nội về chiến khu Việt Bắc an toàn. Kết phim là hình ảnh bi tráng, cả Hà Nội bốc cháy, tiếng bom đạn ầm ầm rung…

77 năm, mà chỉ có 4 phim? Phải chăng, đề tài về Hà Nội những ngày tháng lịch sử kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trở nên một đề tài “bảo tàng” không được các nhà làm phim Điện ảnh Việt Nam hiện tại quan tâm tới và muốn thực hiện? Phải chăng đây là đề tài lịch sử cách mạng, một loại đề tài rất khó “nhằn” và luôn báo trước nhiều rủi ro không thành công về nhiều mặt nên “giả vờ” quên lãng? Hay đề tài này với quan niệm của các nhà làm phim Việt Nam hiện nay, chỉ để kỷ niệm, lễ lạt nên không làm cũng được, và chỉ chú trọng cho các đề tài khác vừa dễ làm, vừa dễ “ăn” hơn?

Đầu tháng 11/2022, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 2898/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt Kế hoạch Phát động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022 - 2025, hướng tới 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2030) và 85 năm Ngày Quốc khánh Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2030). Hy vọng đề tài này sẽ không còn bị lãng quên hay bỏ rơi, sẽ được nhớ đến, nghĩ đến như một dự án quan trọng, cần làm ngay của những nhà làm phim Điện ảnh Việt Nam ở những năm sau như món nợ với lịch sử Hà Nội nói riêng, lịch sử Việt Nam nói chung và khán giả phim Việt./.

Hoài Hương