Ký ức Ba Đình
"Ba Đình trong tôi là niềm mong ước của tuổi học trò, của thời thanh xuân cầm súng đi ra chiến trường - và của ngày trở về khi đất nước bình yên. Tôi mang điều mong ước giản dị đó trong suốt hành trình theo đuổi nghề kiến trúc..."
Quê tôi cách Hà Nội 50km. Ngày còn nhỏ, mỗi kỳ nghỉ hè, tôi đều được bố mẹ cho ra thăm Thủ đô và điểm đến không thể thiếu là quảng trường Ba Đình - nơi có lễ đài Bác Hồ đứng đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hình ảnh quảng trường Ba Đình giữa mùa thu rực màu cờ đỏ khi ấy đã khắc sâu trong tâm trí tôi niềm vinh quang tự hào dân tộc.
Đất nước chiến tranh, tôi vào bộ đội và tham gia quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào đánh Mỹ. Những năm tháng chiến đấu nơi chiến trường rừng sâu núi thẳm, tôi vẫn mơ ngày chiến thắng trở về sẽ lại lên thăm Ba Đình vào dịp mùa thu cách mạng, để được tận hưởng không gian quảng trường lộng gió cờ bay.
Rồi ngày ấy cũng đến, sau ngày Hiệp định Paris và Hiệp định Viêng Chăn được ký kết, tôi được lệnh về hậu phương và lên Hà Nội trong những ngày mùa thu đất nước hòa bình. Một kỷ niệm khó quên của tôi khi ấy là được xem triển lãm trưng bày các phương án thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên quảng trường Ba Đình. Lúc ấy tôi đã rất ngưỡng mộ các kiến trúc sư đã đặt bút vẽ công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - để gìn giữ lâu dài thi hài của Người.
Sau này khi tôi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc rồi trở thành kiến trúc sư thì Lăng Bác đã xây dựng xong, tại vị trí năm xưa có kỳ đài Bác Hồ đứng đọc Tuyên ngôn độc lập. Mỗi lần về lại Ba Đình ngắm nhìn Lăng Bác, lòng tôi lại trào dâng bao cảm xúc! Lăng Bác như một đóa sen được tạo hình bởi những khối đá hoa cương - một loại vật liệu thiên nhiên quý giá, là món quà tặng ý nghĩa của Đảng Cộng sản và nhân dân Liên Xô anh em.
Nơi Bác nằm có bốn bức tường đá đỏ và 5 hàng cột đỡ mái lăng có hình dáng mái đao đình Việt in trên nền trời xanh mây trắng. Tại cao độ lưng chừng vẫn là lễ đài Chính phủ trong các ngày lễ lớn của đất nước. Trước lăng là đường Hùng Vương mở rộng cho các binh chủng diễu binh diễu hành ngày Quốc khánh. Quảng trường được hình thành bởi những ô cỏ hình vuông và những lối đi bằng bê tông sỏi nổi. Đây là một nghiên cứu khoa học tạo nên một quảng trường xanh có tác dụng tạo vi khí hậu trong lành, làm mát cho toàn bộ không gian kiến trúc, gắn kết thiên nhiên với con người và làm đẹp thêm cho cảnh quan thành phố.
Ba Đình trong tôi là niềm mong ước của tuổi học trò, của thời thanh xuân cầm súng đi ra chiến trường - và của ngày trở về khi đất nước bình yên. Tôi mang điều mong ước giản dị đó trong suốt hành trình theo đuổi nghề kiến trúc. Cuối cùng cũng tới một ngày mùa thu, tôi được Nhà nước trọng dụng, phân công về làm việc tại cơ quan Ban phụ trách Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và quảng trường Ba Đình. Suốt thời gian làm việc tại đây, trong đầu tôi thi thoảng lại văng vẳng câu hát trong ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước: “Vinh quang con đứng bên Người/ canh cho Bác ngủ ngon giấc…”
Vinh quang! Đó là cảm xúc của tôi khi được bên cạnh Người! Là động lực, là vinh dự, khiến tôi say mê, miệt mài với những nhiệm vụ được giao: Tham gia thiết kế tu bổ công trình lăng ngày càng hoàn thiện hơn; Tham gia thiết kế xây dựng các tiểu kiến trúc trong phạm vi quảng trường sao cho hài hòa với công trình lăng và các công trình lịch sử trong quần thể kiến trúc Ba Đình như Phủ Chủ tịch, Văn phòng Trung ương, trụ sở Bộ Ngoại giao, chùa Một Cột, các biệt thự Đông Dương từ thời Pháp thuộc… và sau này là Bảo tàng Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn và công trình Nhà Quốc hội Việt Nam…
“…Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…” là những lời Bác dạy mà tôi luôn khắc ghi từ những năm tháng cầm súng nơi chiến trường. Khi làm việc giữa Ba Đình lịch sử sau ngày toàn thắng, có Bác Hồ vẫn đang ở trong lăng, những người làm kiến trúc chúng tôi luôn thấy tự hào và nguyện cống hiến hết mình cho Ba Đình lịch sử ngày một hoàn thiện hơn, trong sự phát triển của đất nước đang từng bước đi lên văn minh giàu mạnh.
Nhiệm vụ bên Lăng Bác và quảng trường có biết bao câu chuyện của tình yêu lãnh tụ, của trách nhiệm với những công trình bộ mặt của quốc gia. Lăng Bác là công trình lớn đầu tiên ở nước ta ốp đá hoa cương - loại vật liệu tự nhiên bền vững nhất, quý giá nhất lúc bấy giờ do Liên Xô tặng.
Sau khi công trình hoàn thành theo hồ sơ thiết kế của Liên Xô, mới bắt đầu gặp phải những nhược điểm phát sinh, do tiêu chuẩn kỹ thuật vật liệu thuộc môi trường của xứ lạnh băng tuyết khác với môi trường nóng ẩm nhiệt đới của Việt Nam. Lúc này, đội ngũ kiến trúc sư và các nhà khoa học xây dựng của Việt Nam phải tiến hành các đề tài nghiên cứu thay đổi giải pháp và tiêu chuẩn kỹ thuật ốp đá cho phù hợp với điều kiện môi trường, khí hậu. Việc thay đổi dù chỉ là hạng mục nhỏ nhưng cũng vô cùng phức tạp. Bởi sau những đề xuất và nghiên cứu thành công phải báo cáo lên Chính phủ, sau đó làm việc với các cơ quan chuyên môn có liên quan của nước bạn rồi tiếp đó là xin viện trợ công cụ vật liệu gắn kết (vì thời đó Việt Nam chưa có công nghệ gia công đá hoa cương).
Tại lễ đài Chính phủ, trên độ cao 4,6 mét, với mặt sàn lát đá hoa cương phẳng tuyệt đối, vào những ngày Quốc khánh, nếu trời mưa thường có tình trạng đọng nước dưới chân các nhà lãnh đạo khi làm việc, đi, đứng trên lễ đài. Sau khi nghiên cứu thực tế tại chỗ các kiến trúc sư đã đưa ra các giải pháp khả thi - tạo rãnh thu nước mưa trực tiếp xung quanh mặt sàn lễ đài và đặt lên đó các tấm hoa văn đúc bằng đồng vàng được nghiên cứu thiết kế tỉ mỉ, trang trọng và mang đậm bản sắc dân tộc. Giải pháp khắc phục đọng nước mưa lễ đài được lãnh đạo Nhà nước cùng chuyên gia Liên Xô đánh giá cao và là một trong những hạng mục được tặng thưởng sáng kiến tu bổ.
Ngày nay, khoa học xây dựng đã tiên tiến hơn, công tác thiết kế và thi công thuận lợi và hiệu quả hơn nhiều. Nhưng tất cả những thành quả nghiên cứu hoàn thiện công trình Lăng Bác của những năm 80 thế kỷ 20 vẫn còn đó như niềm tự hào của của đội ngũ cán bộ khoa học một thời, như những đóa hoa dâng lên Bác Hồ mừng ngày khai sinh đất nước./.