Văn hóa – Di sản

Sự kết quyện độc đáo giữa nghi thức cung đình và dân gian trong Hội thề Trung hiếu

Hải Quỳnh 02/09/2023 16:26

Ra đời cách đây 995 năm, Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ (làng Đông Xã, phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) không chỉ mang ý nghĩa lịch sử to lớn mà di sản văn hóa này vẫn còn nguyên giá trị theo dòng chảy thời đại.

z4656516387002_3762ec698c5f8ae3737383d20b2a58eb(1).jpg
Đền Đồng Cổ tại làng Đông Xã, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội ngày nay.

Sự tích Hội thề Trung hiếu

Theo Dã sử Việt điện u linh, năm 1020 Thái tử Phật Mã, lúc này vừa tròn 20 tuổi vâng lệnh vua Lý Thái Tổ dẫn quân đi đánh Chiêm Thành quấy rối bờ cõi phía Nam Đại Việt, dọc đường có dừng chân nghỉ cạnh ngôi đền Đồng Cổ thờ thần Trống Đồng nằm ở chân núi Khả Lao, làng Đan Nê, nay thuộc xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Đến giờ Tý bỗng từ ngoài có tiếng vọng lại vang rền như sấm; một vị thần cao lớn, râu cứng, mặc áo giáp, tay cầm binh khí hiện ra trước mặt Phật Mã và nói: “Ngài đi đánh giặc, tôi giúp một tay”. Phật Mã đem quân vào đến Tân Bình (Quảng Bình) thì đánh tan giặc… Thắng trận trở về, Thái tử đến đền Đồng Cổ làm lễ tạ và xin rước linh vị về thành Thăng Long.

Năm Mậu Thìn (1028) vua Lý Thái Tổ qua đời, quần thần cùng xin Thái tử Phật Mã vâng di chiếu lên ngôi. Tam Vương là Đông Chinh, Dực Thánh và Vũ Đức nghe tin liền thông đồng đem quân phục sẵn trong cấm thành, rắp tâm đợi Thái tử đến thì đánh úp. Do có phòng bị trước và có các tướng Lê Phụng Hiểu, Lê Nhân Nghĩa giúp nên Thái tử Phật Mã đã dẹp được vụ này (gọi là loạn tam vương) sau đó lên ngôi vua lấy hiệu là Lý Thái Tông.

Ngay sau khi lên ngôi, vua Lý Thái Tông đã “chọn đất An Đông, bên hữu thành Đại La, sau chùa Thánh Thọ” để xây dựng nên đền Đồng Cổ và lấy ngày 25/3 (Âm lịch) hàng năm để tiến hành hội thề tại đó. Tuy nhiên, vì tháng 3 có ngày quốc kỵ (quốc tang nhà Lý), nên hội thề được chuyển sang ngày 4/4 (Âm lịch) hằng năm.

Ngày hội thề, vua cho đắp đàn cao trước đền, xung quanh cắm cờ xí, giáo gươm. Các quan văn võ trong triều “thân vận nhung phục, tay cầm nghi trượng” đi từ điện Kính Thiên về đền Đồng Cổ, quỳ trước thần vị, trích máu đọc lời thề: “Vị tử bất hiếu/ Vị thần bất trung/ Thần minh tử chi” (Làm con bất hiếu/ Làm tôi bất trung/ Thần minh chu diệt).

z4656516202162_3a38d769a8ef59a18954b9793fb1e6ce.jpg
Lời thề Trung hiếu do vua Lý Thái Tông khởi tạo năm 1028 tại đền Đồng Cổ.

Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ là một trong những lễ hội lớn và quan trọng của Triều đại nhà Lý. Vua Lý Thái Tông khởi xướng lễ thề với mục đích răn dạy các quần thần, tướng sĩ và con dân trong thiên hạ.

Đến thời Trần lệ này vẫn được duy trì. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: Hằng năm vào ngày mùng 4 tháng Tư, Tể tướng và trăm quan, hồi gà gáy đến trực ngoài cửa thành, mờ mờ sáng vào triều. Vua ngự ở cửa Hữu Lang. Trăm quan mặc nhung phục làm lễ lạy rồi lui ra. Đầy đủ nghi trường theo hầu ra cửa Tây kinh thành, đến đền Đồng Cổ, họp nhau thề: “Làm tôi hết lòng trung, làm quan trong sạch, ai trái lời thề này, Thần minh giết chết”. Đọc xong, quan Tể tướng sai đóng cửa đền lại để điểm danh, người nào vắng mặt thì bị phạt 5 quan tiền. Ngày hôm ấy, con trai, con gái bốn phương đổ về xem chật ních cả đường phố.

Lời thề ngàn năm còn nguyên giá trị

Theo dòng chảy của lịch sử, những lời thề với quốc gia, với dân tộc, với đạo quân thần không phải chỉ có ở các đời Lý, Trần, Lê. Ngay từ thời Hùng Vương, ở buổi đầu dựng nước khi vua Hùng Vương thứ 18 là Hùng Duệ Vương vì không có con trai nối dõi, cuối đời đã quyết định nhường ngôi cho Thục Phán – An Dương Vương với lời căn dặn: “Giữ gìn bách gia trăm họ Văn Lang”. Có được giang sơn, để cảm tạ công đức của Hùng Duệ Vương, An Dương Vương đã về kinh đô Phong Châu lên đỉnh Nghĩa Lĩnh cho dựng giao đài để cả nước thờ tự. Dựng hai cột đá ở đỉnh núi, chỉ lên trời mà thề rằng: “Nguyện có trời cao lồng lộng soi xét, chẳng dám sai lời. Nước Nam trường tồn lưu ở miếu Hùng Vương. Ví bằng vua sau nối nghiệp trái ước phai thề sẽ bị trăng vùi gió dập, trời đất cùng tru diệt”.

Vào thế kỷ thứ XIX, Mở đầu tác phẩm nổi tiếng Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu đã viết hai câu thơ, như một “tuyên ngôn” mà nhà thơ muốn gửi gắm qua tác phẩm: “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”. Trong hệ tư tưởng của Nho học thì phận làm trai chữ “trung” và chữ “hiếu” được đặt lên hàng đầu, đây là chuẩn mực, là “khuân vàng thước ngọc” để xây dựng trật tự xã hội và đạo đức con người.

Đến thời đại Hồ Chí Minh, tiếp nối những giá trị cao đẹp của cha ông, khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập với sứ mệnh lãnh đạo các tầng lớp nhân dân đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, đứng trong hàng ngũ của Đảng các đảng viên cũng đã tuyên thệ tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng; học tập tu dưỡng rèn luyện bản thân, cả đời phục vụ lợi ích của nhân dân, lợi ích dân tộc và xây dựng thế hệ kế cận.

Ngày 22 tháng 12 năm 1944, Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, lực lượng quân sự chủ lực của Việt Minh, tiền thân của Quân đội Nhân dân Viêt Nam được thành lập, trong thời khắc lịch sử này đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay mặt 34 chiến sĩ đầu tiên đọc 10 lời thề danh dự trước lá cờ vinh quang của tổ quốc. Từ đó đến nay, 10 lời thề danh dự ngày ấy vẫn không hề thay đổi.

Không chỉ là lời thề danh dự với Đảng với nhân dân, 10 lời thề quân nhân cách mạng thời đại Hồ Chí Minh còn mang nhiều ý nghĩa và giá trị sâu sắc thể hiện văn hóa đạo đức và tư tưởng chính trị của người quân nhân đối với Tổ quốc, đối với nhân dân.

Nói về ý nghĩa của Hội thề Trung hiếu, ông Hoàng Phạm Mưu, Trưởng tiểu ban di tích đền Đồng Cổ chia sẻ: Dù là thời đại nào thì chữ “trung” và chữ “hiếu” vẫn vẹn nguyên giá trị, đối với các thế hệ ngày nay, Hội thề Trung hiếu sẽ nhắc nhở cho chúng ta đạo làm con phải có hiếu với ông bà cha mẹ tổ tiên; làm dân phải biết yêu xóm làng yêu quê hương yêu tổ quốc; làm quan phải biết chăm lo đời sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân.

z4656516117552_cd477d052377bfe0ae10642813ffc7a5.jpg
Ông Hoàng Phạm Mưu, Trưởng tiểu ban di tích đền Đồng Cổ trong một buổi giới thiệu về di tích đền Đồng Cổ và Hội thề Trung hiếu cho các em học sinh.

Ông Mưu cũng cho biết, di tích đền Đồng Cổ nói chung và Hội thề Trung hiếu nói riêng luôn là niềm tự hào của người dân Đông Xã. Ngày mùng 4 tháng 4 (Âm lịch) hàng năm Hội thề được tổ chức tại sân rồng trước đền luôn thu hút rất đông bà con trong phường đến tham dự. Di tích ngàn năm này cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các thế hệ lãnh đạo TP Hà Nội cũng như quận Tây Hồ. Với bề dày lịch sử và những ý nghĩa nhân văn cao đẹp, Hội thề Trung hiếu đã chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ ngày 18 tháng 5 năm 2023. Đây là niềm tự hào rất lớn đối với người dân Đông Xã.

z4656516265621_65a47a0e346e6f0bb7bd0ce37b834f4a(2).jpg
Quyết định công nhận Hội thề Trung hiếu là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 18/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trong những năm gần đây, Phòng Giáo dục Đào tạo quận Tây Hồ thường xuyên phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức các buổi ngoại khóa cho học sinh tại đền Đồng Cổ. Tại đây, các thế hệ học sinh được Ban quản lý di tích giới thiệu chi tiết về quá trình xây dựng đền, lịch sử ra đời và ý nghĩa của Hội thề Trung hiếu.

z4656515995915_71df868937873e821232178b20e22301.jpg
Lãnh đạo UBND quận Tây Hồ, Phòng Giáo dục Đào tạo quận Tây Hồ và UBND phường Bưởi cùng các em học sinh làm lễ dâng hương trong Chương trình giáo dục di sản cho học sinh trên địa bàn quận tại đền Đồng Cổ.

Bà Trần Thị Hương, Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo quận Tây Hồ cho biết: Được sự nhất trí và thông qua của lãnh đạo quận, sự phối hợp chặt chẽ của các trường học trên địa bàn, những năm qua Chương trình giáo dục di sản cho học sinh trong toàn quận đã được triển khai sâu rộng. Trong đó di tích đền Đồng Cổ và di sản Hội thề Trung hiếu là những ưu tiên để giáo dục về đạo đức, truyền thống tốt đẹp ghi nhớ công ơn của ông bà cha mẹ, lòng yêu nước, tình yêu đồng bào và trách nhiệm của các em đối với lịch sử, với di sản của các thế hệ cha ông.

Hội thề Trung hiếu được khởi nguồn từ đời Lý kéo sang đời Trần, rồi đời Nguyễn bị ngắt và sau đó từng bị quên lãng. Đó là khoảng lặng đáng tiếc trong lịch sử Việt Nam. Nhưng rồi sau khi đất nước đổi mới, năm 2000 UBND quận Tây Hồ đã khôi phục lại Hội thề độc đáo này. Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ là Hội thề duy nhất có chủ thể, thời gian sử liệu rõ ràng, được lưu truyền gần 1.000 năm đã trở thành tập quán tốt đẹp. Lời thề Trung hiếu là văn hóa dân tộc của Đại Việt xưa và Việt Nam ngày nay. Lời thề ấy thấm sâu vào triệu triệu người con nước Việt để dân tộc ta làm nên những chiến thắng vang dội trong các cuộc chiến chống ngoại xâm, từ các thế lực Tống, Nguyên, Minh, Thanh đến những đế quốc sừng sỏ trong thế kỷ XX. Ngày nay, ý nghĩa của những lời thề ấy vẫn đang sống trong đời sống đương đại, tiếp tục lan tỏa những giá trị nhân văn cao đẹp của con người Việt Nam.

Hải Quỳnh