Văn hóa - Xã hội

Ghép tủy cứu sống bé trai 4 tuổi bị u nguyên bào thần kinh

Hương Giang 16:40 01/09/2023

Các y bác sĩ thực hiện ghép tủy cứu sống một bé trai 4 tuổi trú ở tỉnh Đắk Lắk bị bị u nguyên bào thần kinh và đây là ca ghép thành công thứ 35 của Bệnh viện Trung ương Huế.

z4654756462565_b091a0fab71da2de1e3da6b8ce3ad0d4.jpg
Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế tặng hoa chúc mừng bệnh nhân và gia đình.

Ngày 31/8, tin từ Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, đơn vị vừa tổ chức lễ ra viện cho ca ghép thứ 35 cho bệnh nhân 4 tuổi và mừng kỷ niệm 35 ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên cho trẻ em.

Theo đó, bệnh nhân Phan Đình D. (4 tuổi, trú ở tỉnh Đắk Lắk) được chẩn đoán u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao với khối u tại khoang sau phúc mạc, di căn xương và sau quá trình điều trị cháu D. đáp ứng một phần, có chỉ định ghép tủy. Tuy nhiên, trong quá trình ghép cháu D. bị sốt giảm bạch cầu hạt, tăng men gan, loét miệng nên được đội ngũ y bác sĩ điều trị tận tình, trách nhiệm và phục hồi.

Đến ngày 31/8, cháu Phan Đình D. đã được xuất viện trong niềm vui lớn của gia đình khi nhìn thấy con khỏe mạnh trở lại.

Trung tâm Nhi (Bệnh viện Trung ương Huế) triển khai ghép tế bào gốc tự thân cho các bệnh nhi từ tháng 11/2019 và sau hơn 3 năm Trung tâm Nhi đã thực hiện ghép tế bào gốc được 35 ca. Hiện, Bệnh viện Trung ương Huế đứng thứ 2 trong cả nước về ghép tế bào gốc tự thân điều trị bệnh lý u đặc trẻ em và trong đó có ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên của Việt nam được thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Các bệnh nhân nhi của Bệnh viện Trung ương Huế được ghép tế bào gốc tự thân đến từ các tỉnh miền Trung như Hà Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh phía Nam như Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước, Kiên Giang, Ninh Thuận, Sài Gòn…

Đến nay, kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân tại Bệnh viện Trung ương Huế đã được thực hiện thường quy một cách chuyên nghiệp. Trong thời gian đến, bệnh viện sẽ tiếp tục triển khai ghép tủy tự thân cho các bệnh nhi bị mắc các bệnh lý u đặc và sẽ triển khai ghép tủy đồng loại, điều trị các bệnh lý suy tủy, ung thư máu hay Thalassemie để nâng cao chất lượng và hiệu quả của kỹ thuật ghép tế bào gốc để đem lại sự sống mới cho nhiều bệnh nhi không may mắc các bệnh lý hiểm nghèo.

z4654756440975_692d57a2c85437adf7f2d46adf25e8b0.jpg
Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế phát biểu tại lễ ra viện cho ca ghép thứ 35.

Theo Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế Phạm Như Hiệp, “Bệnh viện Trung ương Huế đã trang bị máy móc trang thiết bị hiện đại, phòng ghép tủy đạt chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao và được đào tạo bài bản ở các nước tiên tiến về chuyên ngành ghép tế bào gốc nên rất thuận lợi trong triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc”./.

Hương Giang