Hương án ở nhà Đại Bái Văn Miếu Hà Nội
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 07:36, 26/06/2022
Văn Miếu được lập ở Thăng Long 1070 đời Lý Thánh Tông. Ngay từ khi mới thành lập, nơi đây và nhà Quốc học kiêm nhiệm hai trọng trách: thờ đức Khổng Tử, vị tổ của đạo Nho và phối thờ 4 học trò giỏi của thầy.
Tuy về bố cục, Văn Miếu Thăng Long là hình ảnh thu nhỏ lại của Văn Miếu Trung Hoa nhưng đi sâu vào kiến trúc nơi đây, ta thấy rõ nó mang bản sắc riêng của kiến trúc cổ Việt Nam thời Lê Mạt với phong cách giản dị, không chạm trổ cầu kì nhưng chắc chắn, thanh nhã mà trang nghiêm.
Riêng về tòa Đại Bái đã có nhiều người quan tâm nghiên cứu và miêu tả tỉ mỉ. Ông Nguyễn Văn Uẩn dày công với cuốn “Hà Nội nửa đầu thế kỉ 20”, giới thiệu: “Tại đây còn giữ mấy thứ đồ thờ từ đời Lê. Một bức hoành lớn Vạn Thế Sư Biểu của vua Khang Hy tự tay viết tặng sứ thần ta đem về khắc vào gỗ treo ở đây. Có hai cột trụ đá khắc dòng chữ Canh Thìn (1760) Quý Xuân Phụng Mệnh kính lập.
Ông Đỗ Văn Ninh, với con mắt của nhà sử học, trong cuốn “Văn bia Quốc Tử Giám Hà Nội” đã giải thích ý nghĩa tường tận cách bố trí và nội dung các bức hoành phi, câu đối ở bái đường này: “Tòa Đại Bái có chức năng là nơi hành lễ trong các kì tế tự xuân thu. Chỉ gian chính giữa có hương án, còn các gian khác đều bỏ trống. Tại đây treo khá nhiều hoành phi câu đối... Nhà đại bái còn có một số hiện vật quý giá là chuông Bích Ung và chiếc khánh đá do thân sĩ huyện Thọ Xương kính biếu. Đến Văn Miếu ngắm kĩ chiếc hương án, thiết nghĩ nó cũng có thể xếp vào hàng ngũ những hiện vật quý ở gian giữa nhà đại bái”.
Hương án này là một bức tranh khắc chạm gỗ thời Nguyễn bằng gỗ sơn son thiếp vàng rực rỡ. Bố cục mặt trước, mặt sau hương án giống nhau được tramg trí bởi những ô vuông và hình chữ nhật cân đối, to nhỏ ken nhau mà không hề rối. Mặt trước chính giữa phía trên là mặt trăng với những áng mây uốn vờn xung quanh. Phía dưới là tượng Long Mã Hà Đồ. Long Mã Hà Đồ ngoài ý nghĩa gắn bó với Nho giáo, nó còn tượng trưng cho chí nam nhi cõng cả thời gian, không gian chuyển động. Long là con rồng bay lên, đồng nhất với tung, với kinh tuyến với thời gian. Mã là ngựa chạy ngang, đồng nhất với hoành, với vĩ tuyến, với không gian. Mặt trăng và long mã đối nhau qua chữ DI. Long Mã là con kì lân, đại diện cho tầng trên của trí tuệ, cho sự trong sáng thường được đưa vào mọi di tích để kiểm soát tâm hồn kẻ hành hương. Nó cùng không gian, thời gian với tư cách thánh nhân làm thay đổi cả vũ trụ. Vì vậy được đặt ở mặt trước hương án.
Hai bên là đôi rồng cưỡi mây tượng trưng cho lưỡng nghi. Bên trái là rồng đực, bên phải là rồng cái. Chúng biểu tượng cho cả ngày và đêm, cả âm và dương, cả bầu trời ngày và bầu trời đêm. Mây biểu tượng cho việc cầu có nước để cày cấy, cầu được mùa. Đôi rồng này cũng đối nhau qua chữ DI nói ở trên.
Cạnh con rồng đực là hình ống bút đặt trên trục đối xứng giữa chữ NGƯỠNG ở trên và chữ CAO ở dưới. Cạnh con rồng cái là hình cuốn thư nằm bên trục đối xứng giữa chữ TOẢN ở trên và chữ KIÊN ở dưới. Cuốn thư ống bút ý nghĩa là “phi trí bất hưng” tượng cho sự học hành.
Mặt sau chính giữa phía trên là mặt trời. Phía dưới là tượng Thần Quy Lạc Thư. Hình mặt trời và Thần Quy đối nhau qua chữ TẠI. Rùa biểu trưng cho sự tạo lập nên vũ trụ và thế giới nhân sinh. Rùa tượng cho Trời (với cái mai khum) và tượng cho đất (với cái bụng bằng phẳng) tượng trưng cho sự sinh sôi, phát triển, tồn tại; biểu hiện cho sự bền vững của thế giới, là hiện thân của nguồn nước. Vì vậy phải đặt ở sau lưng hương án, hai bên là đôi rồng vờn mây. Đôi rồng này cũng đối nhau qua chữ TẠI. Cạnh con rồng bên phải là quả chuông, nằm bên trục đối xứng giữa chữ CHIÊM ở trên và chữ TIỀN bên dưới. Cạnh con rồng trái là con cá nằm bên trục đối xứng giữa chữ HỐT ở trên và chữ HẬU bên dưới. Ta còn thấy có hình cái trống nằm bên hình mặt trăng... Chuông trống mang ý nghĩa thức tỉnh. Cá biểu hiện cho sự dư thừa, cầu hạnh phúc. Tất cả mười chữ đều được chọn khắc theo kiểu chữ triện (thường gọi là kiểu chữ đinh) hiện thân của sự bền vững cao quý, quyền uy. Từng chữ là chữ thiêng được bao quanh bởi hoa cúc. Hoa cúc trong tạo hình của người Việt là tượng trưng cho nguồn phát sáng, là tinh tú, biểu tượng cho bầu trời. Ta có thể hình dung sơ đồ năm chữ mặt trước và năm chữ mặt sau của hương án dưới đây:
TOẢN. NGƯỠNG DI KIÊN. CAO HỐT. CHIÊM TẠI HẬU. TIỀN
Người đã đọc Luận Ngữ hẳn nhận ra đây vừa là lời than thở của Nhan Uyên (học trò yêu của Khổng Tử, một trong tứ phối được thờ cùng với thầy), vừa ngụ ý ca ngợi đạo đức học vấn tinh thâm, cao rộng của thầy.
Nhan Uyên than rằng: Đạo của Khổng Tử thật cao thâm. Ta ngẩng đầu ngưỡng vọng nhưng càng nhìn càng cảm thấy cao xa; càng cố gắng nghiên cứu càng cảm thấy sâu sắc, tựa hồ nhìn thấy (nó) ở đằng trước, bỗng nhiên lại nhìn thấy (nó) ở đằng sau. Người giỏi dẫn dắt ta tuần tự từng bước một, đầu tiên dùng các loại văn hiến điển tịch dạy cho ta trở thành kẻ học rộng; sau đó lấy lễ tiết để ước thúc hành vi của ta khiến ta muốn dừng việc học tập cũng không được.
Ta đã dùng hết khả năng của mình mà đạo của người vẫn sừng sững ở trước mặt. Ta muốn theo đạo đó mà không biết làm thế nào”
Các nhà Nho Việt Nam đã cân nhắc, chọn những từ hàm súc nhất trong câu đầu vốn đã quá cô đọng, rồi khéo léo sắp xếp chúng ẩn mình, hài hòa trong hoa gỗ khắc chạm Việt Nam thể hiện rất thành công dụng ý ca tụng đạo đức, học vấn cao thâm, vi diệu không dễ dàng thấy được của Khổng Tử.
Hương án thờ Khổng Tử ở Văn Miếu Thăng Long được tôn vinh, hoành tráng, thâm nghiêm, giàu ý nghĩa như vậy rõ ràng không chỉ nhờ vào bản thân nội hàm của mấy dòng chữ trong Luận Ngữ.