Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Khoái Cầu (huyện Thường Tín)

Sơn Dương (t/h) 30/08/2023 10:19

Chùa Khoái Cầu hiện tại tọa lạc tại xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Ngôi chùa cổ này mang tên của làng, gọi là chùa Khoái Cầu. Chùa còn có một tên chữ là Tân Hưng tự. Làng Khoái Cầu còn có tên nôm là làng Khoai.

Bài minh trên chuông treo ở chùa Khoái Cầu cho biết vào năm Quý Hợi, Khải Định thứ tám (1923) nhân dân Khoái Cầu làng Khoai cùng ông bà Tưởng Xuân Sinh - người hưng công nhiều nhất xây dựng chùa Khoái Cầu và tạc tượng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Khoái Cầu là cơ sở kháng chiến. Sư cụ trụ trì được nhà nước tặng thưởng huy chương kháng chiến.

Chùa có 5 lớp tượng với 54 pho tượng. Các lớp tượng bài trí ở Thượng điện như: Tam thế, A Di Đà, Di Lặc... đều được tạc bằng gỗ sơn son thếp vàng công phu. Toà Cửu long với Thích Ca sơ sinh được đúc bằng đồng.

Đáng chú ý trong chùa có hai pho tượng chân dung. Tượng thứ nhất là tượng cụ Tưởng Xuân Sinh người làng Khoái Cầu, theo nhân dân địa phương kể lại cuộc đời cụ rất vất vả, phải đi làm thuê cho nhà giàu ở làng và ở tỉnh. Cụ hiếm con cháu. Năm Khải Định thứ 8 (1923), làng tạc tượng, đúc chuông cụ đã hưng công toàn bộ tài sản mà cuộc đời cụ đã dành dụm được. Để nhớ ơn, làng tạc tượng thờ cụ ở bên trái toà Tiền đường. Pho tượng thứ hai là tượng sư cụ Đàm Thục, người đã tham gia kháng chiến chống Pháp được Nhà nước tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất. Tượng được thờ ở nhà Tổ. Đó cũng là những điểm đặc biệt với các chùa khác trong vùng.

Mặc dù, mới được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XX nhưng chùa vẫn được xây dựng theo kiến trúc cổ với đầy đủ: Tam quan, Tiền đường, Thượng điện, nhà Tổ, nhà khách, vườn tháp và vườn hoa. Hai hạng mục chính là Tiền đường và Thượng điện được người xưa đặc biệt chú ý: hệ thống cột, vì kèo chồng rường đều được làm bằng gỗ lim. Để tô điểm cho nội thất, người xưa đã đầu tư điêu khắc vào các bức cửa võng, các bức hoành phi, câu đối ca ngợi cảnh chùa. Hội làng Khoái Cầu đông vui có tiếng trong vùng:

“Làng tôi mở hội tháng hai

Ai ai cũng đến hội Khoai chơi bời

Trai làng mua lá tranh tre

Bắc rạp tám mái hội hè vui thay”.

(Vè trước Cách mạng tháng Tám)

Chùa Khoái Cầu đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 1995./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)