Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Hữu Cước (huyện Đan Phượng)

Sơn Dương (t/h) 28/08/2023 11:54

Chùa Hữu Cước được gọi theo tên thôn, ở xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng. Chùa còn có tên chữ là Thiên Phúc tự.

Chùa toạ lạc ngay sát rìa đình làng nhìn theo hướng tây, kết cấu theo kiểu chữ “đinh”, phía ngoài là Tiền đường, phía trong là Thượng điện, ngoài ra chùa còn nhà Tổ, nhà khách. Tiền đường được kết cấu gồm 5 gian 2 chái. Nhìn trực diện chúng ta nhận thấy 2 trụ biểu, phía trên cùng được đắp 2 nụ sen tượng trưng cho đáo bỉ ngạn, cho sự giải thoát, phía dưới là ô lồng đèn thân trụ được soi gờ chạy chỉ xuôi theo thân từ trên xuống dưới. Toà Tiền đường với 2 mái chảy lợp ngói ri, 2 đầu bờ nóc đắp đấu đỉnh, bờ chảy xây giật cấp tạo sự mềm mại cho toàn bộ phần thân mái. Phía trong toà Tiền đường được kiến tạo bởi các bộ vì và các hàng chân cột với kiểu thức “giá chiêng, kẻ ngồi” trên quá giang trốn một cột. Phần hiên với kẻ cổ ngỗng đỡ hoành hạ qua ván dong có cắt khấc đón các hoành.

Nghệ thuật điêu khắc hội tụ chủ yếu ở hệ thống tượng Phật. Trên toà Tam bảo ở vị trí cao nhất là nơi an vị của ba pho tượng Tam thế. Lớp thứ 2 là A Di Đà ở giữa, hai bên là 2 tượng tổ A Nan và Ca Diếp. Lớp thứ 3, ngồi chính giữa là tượng Quan Âm hai bên là tượng thị giả theo hầu. Lớp thứ 4 có tượng Ngọc Hoàng ở giữa, 2 bên là tượng Nam Tào, Bắc Đẩu có niên đại thế kỷ XIX. Lớp tiếp theo là tòa Cửu long chạm bằng gỗ, 9 con rồng trong mây bao bọc xung quanh đang phun nước tắm cho Thích Ca sơ sinh ở giữa.

Đặc biệt bên trái của toà Thượng điện đặt tượng Bà chúa Tây Năng. Tương truyền rằng, bà là tổ nghề tầm tang. Tượng ngồi trong tư thế tĩnh tại, đầu đội mũ, khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu, dái tai to chảy dài, cổ cao 3 ngấn, áo tượng 2 lớp xếp nếp gọn gàng trong tư thế ngồi kết ấn theo thế của nhà Phật. Đây là một trong 2 pho tượng được xếp vào loại bảo vật của tỉnh hiện còn ở chùa Hữu Cước.

Trước Tam bảo đặt tượng Hộ pháp Khuyến thiện và Trừng ác với kích thước lớn. Tượng trong tư thế đứng trên hòn giả sơn hình võ tướng, mặc áo giáp, đội mũ trụ, trông uy phong lẫm liệt với pháp giới trên tay, Khuyến thiện đứng trên con rồng, với viên ngọc minh châu biểu thị ánh sáng của Phật pháp. Ngoài Tiền đường là nơi tọa lạc của hai bộ tượng Đức Ông và Thánh Hiền.

Đến nay, chùa Hữu Cước còn lưu giữ được 3 bát hương gốm Thổ Hà, 1 chuông đồng thời Nguyễn, 1 tấm bia đá “Tu tạo cổ tích Thiên Phúc tự bi ký” có niên đại thời Hậu Lê... và nhiều các di vật là đồ thờ quý giá khác.

Chùa đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2007./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)