Chùa Giáo Hạ (huyện Phúc Thọ)
Chùa mang tên địa danh của làng Giáo Hạ, còn có tên chữ là “Linh Khối tự”, thuộc xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng 40km về phía tây.
Chùa Giáo Hạ có lịch sử xây dựng lâu đời. Mặt bằng của di tích được quy hoạch dạng hình chữ “nhất”, quay hướng nam.
Nhà Tiền đường gồm 3 gian 2 dĩ, tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói mũi hài mỏng. Các bộ vì đỡ mái được làm theo ba dạng khác nhau. Hai vì sát tường hồi được làm kiểu kèo cầu quá giang. Các vì bên làm theo hình thức giá chiêng, kẻ bẩy. Hai bộ vì gian giữa làm theo kiểu thượng chồng rường, xà hạ chạy ba gian. Trên xà thượng có treo các bức hoành phi. Xà hạ có hệ thống y môn trang trí lưỡng long chầu nguyệt, tứ linh, tứ quý. Nửa sau gian giữa của Tiền đường được nâng lên thành hai mái dọc để tạo chiều cao. Nền nhà Tiền đường lát gạch vuông. Gian giữa xây những bệ gạch cao là nơi toạ lạc của các vị Phật. Tượng ở chùa Giáo Hạ có tổng số 22 pho được tạc bằng gỗ và đất luyện.
Lớp tượng trên cao nhất là ba pho Tam thế, ngồi trong tư thế kiết già kiểu hàng ma, tay kết ấn tam muội đặt ở lòng đùi. Lớp thứ hai là bộ Di Đà Tam tôn gồm Phật A Di Đà ngồi trên đài sen ở chính giữa, hai bên có Quan Âm và Đại Thế Chí. Lớp thứ ba là tượng đức Phật Quan Âm chuẩn đề đang dang rộng các cánh tay, hai bên là đức vua và hoàng hậu. Lớp cuối cùng là toà Cửu long, hai bên là Nam Tào, Bắc Đẩu. Sát tượng Hậu của hai gian bên có các nhóm tượng Đức Ông, Thánh Hiền và Hộ pháp Khuyến thiện, Trừng ác. Mỗi pho tượng là một tác phẩm nghệ thuật có nét độc đáo riêng. Tất cả các pho tượng này đều mang phong cách nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn.
Ngoài nghệ thuật chạm khắc, chùa Giáo Hạ còn lưu giữ một số hiện vật có giá trị như: 3 tấm bia đá được chạm trổ trên trán bia hoa văn lưỡng long chầu nguyệt, diềm bia có trang trí hoa dây. Hai quả chuông đồng đúc vào năm Khải Định thứ 4 (1919).
Chùa Giáo Hạ đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02