Đời sống văn hóa

“Vui Tết độc lập” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Tịnh An 19:47 25/08/2023

Với chủ đề “Vui Tết độc lập” từ ngày 1 - 30/9/2023, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra nhiều hoạt động hưởng ứng kỷ niệm 78 năm Quốc khánh Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2023).

Điểm nhấn trong chuỗi hoạt động này là tái hiện không gian văn hóa văn hóa chợ vùng cao với chủ đề “Chợ vùng cao Vui Tết độc lập” với 50 gian hàng (33 gian hàng chợ vùng cao, 10 gian nhà lá giới thiệu ẩm thực truyền thống, khu vực nhà Phù Lá và các gian hàng nước).

Không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Mông, Nùng, Thái, Tày, Dao, Khơ Mú... Tại đây, công chúng có cơ hội trải nghiệm văn hóa vùng cao qua việc trao đổi mua bán, chế biến các món ăn truyền thống như uống rượu ngô, ăn thắng cố, mèn mén; được hòa trong không gian những cặp trai gái đồng bào Mông say sưa múa khèn, cùng đồng bào dân tộc Nùng rộn rã trong những điệu múa sư tử mừng vui Tết độc lập hay hát giao duyên, sli, lượn, cọi… với đồng bào Thái, Tày; được đồng bào dân tộc giới thiệu lịch sử, quy trình, nguyên liệu, chế biến một số món ăn dân tộc đặc trưng độc đáo như nấu rượu, làm xôi ngũ sắc, quy trình dệt vải...

tet-doc-lap.jpg
Chuỗi hoạt động “Vui Tết độc lập” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam hứa hẹn thu hút nhiều công chúng.

Cùng với phiên chợ vùng cao còn có các hoạt động khác như: Giới thiệu, trình diễn nghề rèn Phúc Sen của tỉnh Cao Bằng; giới thiệu nghệ thuật múa sư tử mèo của dân tộc Nùng (Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia); Chương trình dân ca, dân vũ “Vui Tết độc lập”.

Ngoài ra, đến với “Ngôi nhà chung” dịp này, công chúng còn có cơ hội trải nghiệm các lễ hội truyền thống thông qua các hoạt động: Tái hiện lễ cưới của dân tộc Nùng; nghi thức rước ma giữ lửa của đồng bào dân tộc Mông; chương trình nghệ thuật biểu diễn nghệ thuật rối đặc sắc “Trung thu cho em” của nghệ sĩ, diễn viên nhà hát Múa Rối Việt Nam, cùng các hoạt động của các nhóm nghệ nhân đang hoạt động hàng ngày tại Làng.

Bên cạnh đó, các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, chương trình du lịch Homestay, trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian... cũng sẽ giới thiệu tới công chúng nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Các hoạt động tháng 9 với sự tham gia của hơn 200 nghệ nhân, đồng bào, nghệ sĩ gồm: Hơn 100 đồng bào của 15 dân tộc đang hoạt động hàng ngày là già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc: Nùng, Tày (Thái Nguyên); Dao (Tp. Hà Nội); Mông (Hà Giang); Mường (Hoà Bình); Thái, Khơ Mú (Sơn La); Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế); Ba Na, Gia Rai (Gia Lai); Xơ Đăng (Kon Tum); Raglai (Ninh Thuận); Ê Đê (Đắk Lắk), Khmer (Sóc Trăng). Dịp này Làng cũng huy động khoảng 75 người của 4 dân tộc, 3 địa phương tham gia lễ hội, hoạt động: 20 người của dân tộc Nùng (Lạng Sơn), 40 người của dân tộc Mông, Tày, Nùng (Cao Bằng) trong đó 20 người Mông, 10 người Tày, 10 người Nùng; 15 người của dân tộc Thái (Sơn La) và khoảng 25 nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Múa Rối Việt Nam.

Không chỉ giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, các hoạt động “Vui Tết độc lập” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam còn góp phần quảng bá, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc; đa dạng các hoạt động thu hút khách du lịch trong dịp nghỉ lễ, từng bước hoàn thiện các sản phẩm du lịch và mở đầu cho mùa du lịch cao điểm năm 2023./.

Tịnh An