Kiến trúc - Quy hoạch

Sumitomo định hướng đầu tư khu công nghiệp hơn 300ha tại Nam Định

Đình Thế 19:46 25/08/2023

Lãnh đạo tỉnh Nam Định vừa có buổi tiếp và làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) và Công ty TNHH khu công nghiệp Thăng Long.

khu-cong-nghiep-hong-tien-1.jpeg
Nam Định tập trung phát triển hạ tầng khu công nghiệp đón dòng vốn FDI.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Nam Định có 10 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào quy hoạch, với tổng diện tích hơn 2.046ha. Trong đó, có 4 khu công nghiệp đã hình thành, gồm: khu công nghiệp Hòa Xá, khu công nghiệp Mỹ Trung, khu công nghiệp Bảo Minh, Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông sẽ được giữ nguyên. khu công nghiệp Bảo Minh, khu công nghiệp Hòa Xá, do diện tích lấp đầy đã đạt 100%.

Theo Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tính đến năm 2030, Nam Định sẽ có thêm 10 khu công nghiệp, như vậy, tổng diện tích các khu công nghiệp thành lập mới trong thời kỳ 2021 - 2030 sẽ gấp 1,3 lần diện tích hiện nay. Đến năm 2050, dự kiến tổng số khu công nghiệp tại tỉnh Nam Định tăng lên 27 khu với tổng diện tích 6.721ha.

Thời gian gần đây, Nam Định liên tục đón các dự án có vốn đầu tư từ nước ngoài. Mới đây nhất, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định đã tiến hành cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án SANBANG PTE. LTD (Singapore) chuyên sản xuất các loại khăn, vải dệt, sợi DTY.

Tại buổi làm việc, phía Sumitomo cho biết tập đoàn này đã đầu tư khu công nghiệp Thăng Long từ năm 1997 và hiện có khu công nghiệp Thăng Long II tại tỉnh Hưng Yên, khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc; với quy mô trên 1.012ha và tổng vốn đầu tư hơn 404 triệu USD.

Lãnh đạo Sumitomo cũng thông tin sẽ nghiên cứu để quyết định đầu tư một dự án khu công nghiệp tại Nam Định với quy mô từ 300ha trở lên.

bi-thu-tinh-uy-pham-gia-tuc.jpg
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc và Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Lan Anh tiếp đoàn công tác của Tập đoàn Sumitomo và Công ty TNHH KCN Thăng Long.

Sau khi nghe ý kiến, nguyện vọng Tập đoàn Sumitomo, lãnh đạo tỉnh Nam Định mong muốn phía doanh nghiệp sớm nghiên cứu đầu tư khu công nghiệp tại Nam Định. Địa phương khẳng định luôn tạo mọi điều kiện để chào đón các nhà đầu tư và tích cực phối hợp, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư trong khuôn khổ quy định cho phép.

Lãnh đạo tỉnh Nam Định cũng yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chủ động làm việc cụ thể để cung cấp các thông tin cần thiết cho Tập đoàn Sumitomo nghiên cứu, tìm hiểu được thuận lợi; các sở, ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ giải quyết những khó khăn khi Sumitomo có yêu cầu để mong muốn đầu tư vào Nam Định của Tập đoàn sớm được hiện thực hoá.

Theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, dự án SANBANG PTE.LTD (Singapore) có tổng diện tích sử dụng đất là 103.400m2 thuộc lô Q1, Q2, Q3 khu công nghiệp dệt may Rạng Đông. Dự án có tổng vốn đầu tư 673,5 tỷ đồng (tương đương gần 30 triệu USD). Trong đó, vốn nhà đầu tư là 86,8 tỷ đồng, chiếm 12,8% tổng vốn đầu tư của dự án.

Giữa tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh Nam Định cũng đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận phát triển dự án giữa Công ty cổ phần xây dựng hạ tầng Đại Phong và Tập đoàn JiaWei (Đài Loan). Theo thỏa thuận phát triển dự án giữa 2 doanh nghiệp, Tập đoàn JiaWei sẽ đầu tư vào KCN Mỹ Thuận của Công ty cổ phần xây dựng hạ tầng Đại Phong (chủ đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Mỹ Thuận) với diện tích xây dựng là 130.000m2 để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất.

Dự án có tổng số vốn dự kiến khoảng 100 triệu USD trên diện tích đất gần 15ha với nhóm 3 dự án, gồm nhà máy sản xuất đồ gia dụng công nghệ cao quy mô 8,5ha, tổng vốn đầu tư 80 triệu USD; nhà máy in phụ trợ quy mô 2,5ha, tổng vốn đầu tư 10 triệu USD; nhà máy sản xuất thùng giấy phụ trợ cho quy mô 3,3ha, tổng vốn đầu tư 10 triệu USD.

Trước đó, vào đầu tháng 8, Nam Định cũng tổ chức lễ ký kết thỏa thuận phát triển dự án giữa Công ty Cổ phần xây dựng hạ tầng Đại Phong với Công ty Sunrise Material (Singapore).

Theo thỏa thuận, Công ty Sunrise Material sẽ thuê 60.131m2 đất tại lô CN1-2 và CN1-3 đất dự án Khu công nghiệp Mỹ Thuận của Công ty Cổ phần xây dựng hạ tầng Đại Phong (chủ đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Mỹ Thuận), để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất màng bọc polyme thuộc Công ty Sunrise Material (Việt Nam).

Công ty dự kiến năm 2024 sẽ đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất màng bọc thực phẩm với tổng vốn đăng ký đầu tư 100 triệu USD. Trong đó, các hạng mục công trình gồm: nhà xưởng sản xuất chính; xưởng cắt và chỉnh lý sản phẩm sau sản xuất; khu thí nghiệm và thử nghiệm vật liệu, sản phẩm; nhà kho; khu văn phòng; khu ký túc xá.

Đình Thế