Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Đông Dương (huyện Ứng Hòa)

Sơn Dương (t/h) 23/08/2023 11:01

Chùa Đông Dương thuộc xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.

Trước thế kỷ XIX, chùa Đông Dương thuộc xã Đông Dương, tổng Phương Đình, huyện Minh Sơn, phủ Ứng Hòa, trấn Sơn Nam. Chùa có tên chữ là Vĩnh Thọ tự. Tấm bia đá “Thiên Phúc tự bi ký” cho biết ngôi chùa này đầu tiên có tên là Thiên Phúc. Vào năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) đã khởi dựng chùa. Đến năm Cảnh Hưng thứ nhất (1740) triều nhà Lê, cung phi Trần Thị Ngọc hưng công tôn tạo ngôi chùa này. Mỗi người trong làng đều cung tiến nhiều ít tùy tâm. Đến thời nhà Nguyễn, đời vua Thành Thái, bản xã tỷ khiêu ni Trần Hướng, hiệu Đông tu sửa chùa. Sau đó, năm Khải Định thứ ba (1918) sửa chùa làm bia văn ghi tên chùa Thiên Phúc. Do vậy, phải sau niên hiệu Bảo Đại (1925 - 1945) mới đổi tên chùa là Vĩnh Thọ.

Ngôi chùa ở trên thế đất đẹp, phía trước là đường làng, xưa có dòng sông cổ (sông Kim Ngưu) chạy qua. Chùa chính kết cấu kiểu chữ “đinh” gồm Tiền đường và Thượng điện. Tòa Tiền đường là ngôi nhà ngang 5 gian và Thượng điện 3 gian đều làm bằng gỗ, kiến trúc theo lối cổ truyền với những bộ vì chồng rường, kẻ bẩy. Trên các con rường trau chuốt các đường gờ chỉ, ống tơ và những mảng mỹ thuật nhỏ rải rác trên đấu kê. Điêu khắc trang trí nổi bật đề tài tứ quý trên các bức cốn.

Nét đặc trưng của chùa Vĩnh Thọ là hệ thống tượng thờ, gồm 16 pho tượng tròn có niên hiệu thời Lê và thời Nguyễn. Nổi bật là pho tượng Thích Ca giáo chủ bằng đồng, các nhà nghiên cứu cho rằng có niên đại vào thế kỷ XVIII. Những pho tượng A Di Đà, Tam thế được tạc vào thế kỷ XVII - XVIII. Số tượng còn lại làm vào đầu thế kỷ XX. Ngoài hệ thống tượng thờ, chùa còn lưu giữ được các hiện vật quý: quả chuông đồng đúc năm Thiệu Trị thứ ba (1843), bia đá năm Hồng Phúc thứ nhất (1572), bát hương sứ men trắng hoa lam, hương án chạm đề tài rồng cuốn thủy và chim phượng đang bay thuộc nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn.

Chùa Đông Dương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp còn là địa điểm hoạt động cách mạng của các ông Đỗ Mười, Hoàng Quốc Việt, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Văn Lộc... được nhà chùa nuôi giấu và bảo vệ.

Chùa Đông Dương đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1995./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)