Chùa Đông Bình (huyện Mỹ Đức)
Chùa Đông Bình có tên chữ là Liên Hương tự, thuộc thôn Đông Bình, xã Hùng Tiến, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Chùa ở trên một gò đất cao cuối làng, quay hướng nam, gồm: Tiền đường, Thượng điện, nhà Tổ, nhà Mẫu và sân vườn rộng rãi. Mặt trước của toà Tiền đường được xây theo kiểu Tam quan, mái xây giả ngói hình ống, hai góc đao của mái được đắp hai con kìm. Phía dưới là lối đi được xây theo kiểu cuốn vòm, đắp soi gờ chỉ. Phía trên của mái được xây nối liền với gác chuông, gồm 2 tầng 8 mái với các góc đao được uốn cong mềm mại, đắp con kìm. Vào bên trong Tiền đường là các bộ vì được làm theo kiểu thức thống nhất “kèo kẻ quá giang”. Chùa chính có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ “đinh”. Thượng điện được xây nối liền với Tiền đường, chạy dọc vào bên trong, không xây tường ngăn, tạo không gian thoáng mát. Kết cấu bộ vì của toà Thượng điện được làm theo kiểu thức “thượng chồng rường hạ rường nách”. Hai bộ vì gian giữa toà Thượng điện được chạm khắc ở các con rồng và các đấu kê là hình hoa sen cách điệu. Bên dưới lưng câu đầu là các đầu dư rồng, ăn mộng xuyên qua chắc chắn cho bộ vì. Phía sau chùa chính còn có nhà Tổ, nhà Mẫu nhìn hướng nam gồm 5 gian làm kiểu tường xây, hồi bít đốc, hai mái chảy lợp ngói ri với các bộ vì đỡ mái kiểu “kèo kẻ quá giang” bằng gồ tứ thiết. Trong nhà Mẫu, Tổ có xây 3 ban thờ bằng gạch trong đó ban thờ giữa đặt tượng Tam toà Thánh Mẫu. Ban bên trái thờ tượng Tổ, và ban bên phải thờ Mẫu Sơn Trang.
Chùa còn lưu giữ được 12 pho tượng Phật và một số tượng Mẫu. Hệ thống tượng tròn được làm từ gỗ và đất luyện có niên đại ra đời cuối thế kỷ thứ XIX cho đến nay. Ở vị trí cao nhất là bộ tượng Tam thế. Rồi lần lượt là các lớp tượng A Di Đà, Quan Âm Nam Hải... Cuối cùng là toà Cửu long và Thích Ca sơ được làm theo kiểu vòm bằng gỗ. Ngoài Tiền đường, hai gian sát với Thượng điện có hai pho tượng Hộ pháp Khuyến thiện và Trừng ác. Hai gian giáp hồi toà Tiền đường có hai bộ tượng Đức Ông và Thánh Hiền. Đây là những pho tượng có phong cách tạo tác thời Nguyễn.
Chùa Đông Bình còn lưu giữ được 1 quả chuông đồng to, phía trên có đúc nổi bốn chữ “Liên hương tự chung” có niên đại năm 1838, 1 bia đá ghi trùng tu năm Bính Thân (1776), 1 khánh đá, 1 tượng Hậu bằng đá.
Chùa đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2003./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02