Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Đông Dư Hạ (huyện Gia Lâm)

Sơn Dương (t/h) 23/08/2023 08:21

Chùa Đông Dư Hạ, còn có tên chữ là Phù Quang tự. Chùa nằm bên bờ sông Hồng, thuộc thôn Đông Dư Hạ, xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

chua-dong-du-ha.jpg
Chùa Đông Dư Hạ

Đông Dư là một làng cổ. Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi viết thế kỷ XV thì tên gọi Đông Dư đã có vào cuối thời Tiền Lê (981 - 1009). Trước năm 1945, Đông Dư Hạ cùng với Đông Dư Thượng và Thuận Phú là các làng cổ của Đông Dư.

Chùa Đông Dư Hạ là kiến trúc Phật giáo, nên chức năng chính là thờ Phật. Ngoài thờ Phật, nằm bên trái chùa Đông Dư Hạ là đền Mẫu thờ Thánh Mẫu theo tín ngưỡng dân gian và thờ đức Thánh Trần (Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn), đồng thời chùa cũng là nơi hương khói thờ những vị tổ có công trong việc tu bổ.

Theo dòng lịch sử, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Đông Dư Hạ là nơi các chiến sĩ cách mạng hoạt động bí mật và Việt Minh nằm vùng. Tại đây, tháng 3 năm 1945, đội tự vệ của xã do ông Thảng, ông Cân đã ép tên thừa phái nộp thóc và phá kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo.

Ngày 19/8/1945, lực lượng tự vệ và quần chúng cách mạng Đông Dư có bà Ước cầm cờ đỏ sao vàng tham gia cuộc mít tinh giành chính quyền ở Hà Nội, góp phần làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công.

Nhân dân địa phương và các nhà tu hành trụ trì tại chùa đã tích cực góp công, góp của và sức lực hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch. Tại di tích đình - chùa Đông Dư Hạ, các đoàn thể trong xã thường xuyên hội họp, có lúc là nơi trú ẩn của cán bộ, du kích tham gia hoạt động địch hậu, ủng hộ về tài chính cho nhà nước.

Tại chùa còn một quả chuông đồng, niên hiệu “Hoàng triều Tự Đức tam thập tứ niên” (1881), hay bức hoành phi “Trần triều hiển thánh” tại đền mẫu, niên hiệu “Gia Long nhị niên xuân” (1803). Đặc biệt qua nhiều lần trùng tu và hệ thống tượng gỗ hiện còn của chùa có nhiều pho tượng Tam thế, A Di Đà và những mảng chạm khắc cũ còn lưu lại trên kiến trúc hiện nay của ngôi chùa mang dấu ấn tiêu biểu của phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX, thì chúng ta có thể khẳng định ngôi chùa được ra đời vào thời Nguyễn.

Chùa Đông Dư Hạ đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, đắp tượng, đúc chuông. Năm 2005 xây cổng Tam quan, trùng tu sân, nhà Tổ, tường bao... Chùa được xây dựng bên cạnh đình Đông Dư Hạ trên mặt khu đất rộng 4.000m tách biệt gọn gàng bởi tường bao xung quanh. Khu chùa gồm Tam quan, chùa chính, đền Mẫu, nhà Tổ, nhà khách và phòng tăng, sân vườn chùa. Trước Tam quan là con đường làng, trán cổng đắp nổi 3 chữ Hán: Phù Quang tự. Chùa chính có dạng chữ “đinh” gồm Tiền đường và Phật điện, chùa lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, bờ dải kiểu bậc thang... Tiền đường gồm 5 gian, nền lát gạch hoa, có 4 bộ vì kết cấu giá chiêng, mái phân thượng tứ, hạ ngũ được bào trơn. Phật điện gồm 3 gian chạy dọc, nền lát gạch hoa... Sát hai bên hương án là các đôi câu đối, nội dung ca ngợi đức Phật và cảnh quan chùa như câu đối (dịch):

Chùa Phật dựa đê sông, ngước nhìn cổ thụ tốt tươi dòng sông

xanh biếc.

Danh lam, kề miếu thần, người đến quy nạp bóng mây lành,

mưa móc bay hoa.

Đền Mẫu - nhà Tổ: Gian giữa thờ tượng Mẫu, gian bên phải thờ đức Thánh Trần Hưng Đạo.

Những hiện vật ở di tích: Chùa còn lưu giữ 20 pho tượng gỗ mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn; 5 bức hoành phi, 6 câu đối...; 1 chuông đồng niên hiệu “Hoàng triều Tự Đức” (1881)...

Cũng như nhiều chùa cổ khác, di tích chùa Đông Dư Hạ thường niên diễn ra các kỳ lễ chính của Phật giáo. Đồng thời, đình Đông Dư Hạ còn tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm. Hội làng được tổ chức từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 2 âm lịch, với nghi thức lễ hội đình Đông Dư Hạ.

Chùa Đông Dư Hạ được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2007./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)