Chùa Đậu (huyện Thường Tín)
Chùa Đậu hiện nay thuộc xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Chùa Đậu vốn là một ngôi chùa nổi tiếng, có tên chữ là Pháp Vũ tự hoặc Thành Đạo tự. Chùa này ngoài thờ Phật, còn là nơi thờ thần linh nông nghiệp. Các thần thuộc hệ tứ pháp (phép làm ra mây, mưa, sấm, chớp) vốn sẵn có trong tâm thức người bản địa, có thể coi là nền tảng. Rồi do ảnh hưởng của Phật giáo mà các vị thần này hoá Phật, nên các ngôi đền liên quan chuyển thành chùa. Tứ pháp là 4 vị Phật nữ tính của sơn môn Dâu: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Mặt khác, tất cả các tượng chính (mỗi chùa một tượng) đều có màu mận chín, đó là màu gắn với nguồn nước, liên quan tới màu của thần Si Va thuộc đạo Bà La Môn - đạo thờ tứ pháp, mà nổi lên là chùa Đậu, nằm trong bước đi về tục thờ Mẫu, một tín ngưỡng gốc của người Việt. Chùa Đậu nằm ở rìa làng, nhìn ra cánh đồng; ngay gần Tam quan là một hồ rộng.
Ngay ở bậc lên Tam quan là đôi chồn đá nhỏ, một bóng dáng khá đẹp của nghệ thuật thời Trần (thế kỷ XIII - XIV). Rồi các mảng chạm bên trong và ngoài Tam quan với rồng chầu mặt trời, phượng, lân, ngựa và chữ cùng hoa cỏ... đã như những chuẩn mực của nghệ thuật thuộc kỷ XVII. Sau Tam quan là một sân rộng, hai bên sân dựng Tả hữu vu khẳng định về yếu tố nhập vào chùa, để phần nào biến Pháp Vũ Phật về với tư cách của thần làm mưa. Chính ở giữa sân là một đường khác hai bên, tạo nên một dũng đạo dẫn từ Tam quan vào Tiền đường.
Lối chính giữa được bó bằng rồng đá với 500 năm tuổi. Thành bậc lối lên ở bên là rồng do mây hoá. Chùa chính được bó vỉa bằng đá tảng, trước đây kết cấu theo kiểu nội công ngoại quốc, nền cao. Tiền đường là một toà nhà mang nghệ thuật của giữa thế kỷ XVII. Kết cấu vì nóc và cốn đều theo kiểu chồng rường, trên bốn hàng chân với các đề tài được chạm trổ rất kỹ với nét chạm dứt khoát, mạnh. Đó là những con rồng với nhiều kiểu dáng, rồi phượng vũ, lân và những vân xoắn cùng đao mác. Đây là một kiến trúc khá hoàn chỉnh, giữ được khá nhiều nét chạm của thời khởi dựng. Phần Thượng điện cũ đã bị phá trong chiến tranh chống Pháp. Hiện ở đó còn một bệ đá có nhiều nét chạm mang phong cách thế kỷ XVI, nhiều tượng Phật cổ, trong am thờ tượng Pháp Vũ với màu xám sẫm.
Tượng này mới được làm lại vào thế kỷ XX, song hầu như theo phong cách tạo tượng thế kỷ XVII nên rất đẹp. Trong chùa chính còn những viên gạch rồng thời Mạc (thế kỷ XVI), đánh dấu sự tu bổ trong thời kỳ này. Tiếp đó là những viên gạch hòm sớ lớn hơn mà trên mặt từng viên có hình hổ hoặc voi, ngựa, chim, thú… đầy chất ngộ nghĩnh nhiều yếu tố dân gian của thế kỷ XVII, những tấm bia của thế kỷ XVI, XVII. Tại toà Tiền đường có một khánh gỗ lớn, đồng thời là tấm bảng văn ghi niên hiệu Chính Hoà (cuối thế kỷ XVII). Hiện vật này còn thấy rất hiếm trong di sản văn hoá ở nước ta. Tại toà nhà Hậu hiện có nhiều tượng Hậu thần rất đẹp, nhất là hai tượng đã sơn vào thân xác thực của hai nhà sư Vũ Khắc Trường và Vũ Khắc Minh đã tồn tại từ thế kỷ XVII tới nay. Hiện tượng này khá độc đáo khiến phần nào chúng ta nhớ tới lối ướp xác thành tượng của các vị Đạt ma (Tây Tạng).
Một thời chùa Đậu bị chức sắc trong làng chiếm dụng, độc quyền tế lễ, đồng thời làm nơi lui tới sinh hoạt tâm linh của vua chúa và cung tần mỹ nữ, nên các tượng Phật đã bị đưa sang thờ ở một kiến trúc khác (cùng khuôn viên) gọi là chùa Am (hay chùa Dân). Nơi đây còn lại những bệ, đài sen và cả vài pho tượng rất đẹp có niên đại vào thế kỷ XVI - XVII. Chùa Đậu, một kiến trúc đặc biệt mang nhiều bản sắc dân tộc, đã đánh dấu một bước phát triển của tín ngưỡng dân gian, đồng thời là một kiến trúc lớn còn giữ được nhiều dấu vết nghệ thuật của nhiều giai đoạn lịch sử.
Chùa Đậu đã được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1964. Đây là di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02