NSƯT Phạm Phương Thảo ra mắt ca khúc “Cõng mẹ về trời” mùa Vu lan báo hiếu
Chiều 21/8, NSƯT Phạm Phương Thảo chính thức phát hành ca khúc tự sáng tác "Cõng mẹ về trời". Sáng tác phổ từ bài thơ Cõng mẹ đi chơi của nhà thơ Khánh Dương.
Ca khúc là tiếng khóc tiễn biệt của người con khi mẹ rời xa nhân thế nhưng không mang màu sắc đau đớn, bi lụy mà được tác giả bày tỏ với tâm thế nhẹ nhàng, mang tinh thần giác ngộ của Phật pháp, rằng cuộc đời chỉ là cõi tạm, những chia biệt hôm nay cũng chỉ là tạm xa cách trong luân hồi bất tận. Bởi thế, người con hiếu thuận không phải tiễn mę về trời mà là cõng mẹ về trời, đưa mẹ đi chơi ở một cõi khác - một nơi đào nguyên tiên cảnh, ngắm trăng, đón gió, không còn quanh năm vất vả tảo tần sương gió vì chồng, vì con như cuộc đời nơi trần thế đã trải qua.
Tuy nhiên, ẩn sau tâm thế nhẹ nhàng "hết duyên cõi tạm" lại chính là những day dứt khôn của người con đã chẳng thể trở lại ngày xưa để nâng niu, sẻ chia những vất vả của mẹ, để mẹ được thảnh thơi…
Phạm Phương Thảo phổ thơ "Cõng mẹ đi chơi" nhưng vẫn giữ nguyên nội dung bài thơ bởi ca từ mang giai điệu rõ nét và ý nghĩa sâu sắc, cô chỉ xin phép đổi tên tác phẩm thành Cõng mẹ về trời. Nữ ca sĩ cho biết thêm: "Vì lời thơ, tứ thơ đã sẵn phiêu linh, nên tôi sử dụng chất liệu ca trù để nhấn nhá quãng trầm và phiêu bồng những nốt cao, lúc hư lúc thực".
Phạm Phương Thảo chia sẻ: "Nhân tháng Vu Lan, tôi muốn cảm ơn nhà thơ Khánh Dương đã đồng ý để tôi được chắp đôi cánh âm nhạc, để hôm nay cùng đồng nghiệp và khán giả chia sẻ về câu chuyện đạo hiếu. Hãy thể hiện tình yêu với mẹ cha bằng những việc làm cụ thể bởi thời gian của họ không còn nhiều. Những ai không còn người yêu thương nhất ở bên thì cũng đừng ngần ngại một lần "Cõng mẹ về trời" dù chỉ là trong mơ, trong ước nguyện để ấm lòng người đã khuất, yên lòng chính chúng ta".
MV Cõng mẹ về trời do đạo diễn Lam Hạ thực hiện, sử dụng ngôn ngữ múa (hai nghệ sĩ Quang Huy và Tuyết Anh thể hiện) để chuyển tải tinh thần tác phẩm, Cao Xuân Dũng hòa âm, Phạm Việt Tuân Mix & Master.
Đạo diễn Lam Hạ cho biết: "Từ ý tưởng của Phạm Phương Thảo, tôi dùng ngôn ngữ múa để gợi sự quyến luyến của tình mẫu tử trước lúc âm dương xa cách. Phần hình ảnh phải hòa quyện vào với giai điệu, lời ca để cả hai phần nương vào nhau và hợp thành một chỉnh thể khiến xúc cảm của khán giả được đẩy lên một cách hân hoan mà xúc động. Mạch MV không theo logic như thông thường mà "phiêu" theo sự biến hóa của giai điệu, ca từ, tạo nên một tác phẩm đẹp và ý nghĩa về tình mẫu tử"./.