Chùa Đan Hội (huyện Đan Phượng)
Trước đây, ngôi chùa thuộc tổng Tây Đam, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Sau năm 1954, địa giới hành chính thay đổi, xã Tân Lập hình thành và ngôi chùa thuộc về thôn Đan Hội, xã Tân Lập, Hà Nội.
Chùa Đan Hội có tên chữ là “Bảo Tán tự”, tên nôm là chùa Bòi. Những dấu tích của các lần trùng tu còn in trên các bộ vì mà dấu tích rõ nhất mang niên hiệu Thành Thái thứ 10 (1898). Chưa rõ chùa được xây dựng năm nào.
Trước cửa chùa là khu vực vườn tháp mộ sư, vào bên trong là toà Tam bảo có kết cấu chữ “đinh” gồm Tiền đường và Thượng điện.
Tiền đường chùa Đan Hội là một ngôi nhà 5 gian 2 chái. Các bộ vì được làm theo kiểu “vì kèo giá chiêng” trên mặt bằng bốn hàng chân cột.
Hàng cột cái cao 3,70m, cột quân cao 3,00m đều bằng chất liệu gỗ tứ thiết, lại được bào trơn khiến cho kết cấu bộ vì rất vững chãi. Các đầu dư được nghệ nhân chạm đốt trúc sinh động và tinh tế. Với 5 gian 2 chái tạo cho toà Tiền đường một không gian rộng và thoáng, cho phép cùng một lúc hàng trăm tín đồ hành lễ. Các gian Tiền đường đều được treo các bức đại tự sơn son thếp vàng đẹp đẽ, các cột cái treo nhiều đôi câu đối có giá trị về nghệ thuật thư pháp cũng như về nội dung biểu hiện.
Toà Thượng điện được nối với toà Tiền đường nhờ hệ thống kẻ góc vững chắc. Bên trong được xây bệ gạch từ thấp lên cao, bài trí 6 lớp tượng Phật, đều được sơn son thếp vàng như bộ Tam thế, Thích Ca, Ngọc Hoàng, Cửu long... và các chư vị Bồ tát, La hán. Ngoài hành lang bên phải còn có pho Thái thượng Lão quân cao 1,24m.
Trong chùa còn treo quả chuông thời Nguyễn, niên hiệu Gia Long thứ 2 (1803) cùng 4 tấm bia hậu, 4 bức hoành phi, 3 đôi câu đối. Ngoài ra, trên ban thờ còn nhiều di vật quý như 3 lư hương cỡ lớn, 2 cây đèn gỗ, 2 lọ hoa sứ...
Chùa đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02