Chùa Đại Bi (huyện Hoài Đức)
Chùa Đại Bi hiện nay thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Chùa Đại Bi có Tam quan, Tiền đường, Thượng điện ở phía trước, nhà Mẫu, nhà Tổ phía sau.
Tam quan với 2 tầng 8 mái, với hệ thống cửa bức bàn được mở tương đối rộng tạo cảm giác thoáng đãng cho du khách khi bước chân vào cửa Phật. Mái trên với chính giữa bờ nóc đắp nổi hình hổ phù cõng mặt trời, hai đầu bờ nóc là 2 Makara ngậm bờ nóc, các đầu đao cong được tạo tác mềm mại, thanh thoát. Hệ thống cột được trang trí với các câu đối bằng chữ Hán có nội dung ca ngợi Phật pháp và cảnh đẹp nơi cửa Phật.
Chùa chính có kết cấu hình chữ “đinh” gồm Tiền đường và Thượng điện. Toàn bộ kiến trúc này được dựng trên khu nền cao. Tiền đường gồm 5 gian 2 chái được làm kiểu tường xây, hồi bít đốc, tay ngai với hai mái chảy lợp ngói ri, bờ nóc, bờ dải đắp bờ đỉnh. Phía trước tiền đường có mở 3 cửa đi lại trên ngưỡng cao, sang 2 gian bên là 2 cửa sổ được làm lửng nhằm lấy ánh sáng vào di tích. Các bộ vì toà tiền đường được tạo tác theo kiểu thức thống nhất “kèo kẻ trụ nóc”, các bộ vì này mang phong cách thời Nguyễn muộn.
Hai gian bên phía trong và tường hồi Tiền đường xây những bệ gạch cao, đây là nơi tọa lạc của 2 bộ tượng đức Ông và đức Thánh Hiền cùng tượng Khuyến thiện, Trừng ác được tạo tác trong tư thế đứng, tay cầm pháp bảo nhà Phật.
Thượng điện được làm theo kiểu tường xây hồi, bít đốc, nối từ gian giữa của tiền đường tạo nên chuôi vồ. Các bộ vì đỡ mái được làm theo một kiểu thức giống như bộ vì phía ngoài tiền đường, điểm xuyết vào là một bộ vì có niên đại sớm hơn, đó là bộ vì áp phía ngoài với kiểu thức chồng rường.
Kiến trúc gỗ của di tích chùa Đại Bi chủ yếu được bào trơn đóng bén, nghệ thuật điêu khắc được tập trung thể hiện qua hệ thống tượng tròn trên Phật điện. Ở vị trí cao nhất là nơi tọa lạc của ba pho tượng Tam thế. Tam thế gọi đầy đủ là “Tam thế thường trụ diệu pháp thân” tượng trưng cho ba thời của Phật: quá khứ, hiện tại và vị lai. Ba pho Tam thế chùa Đại Bi có kích thước và tạo dáng tương tự nhau trong thế ngồi âm dương trên tòa sen. Lớp thứ hai là bộ tượng Di Đà Tam tôn với tượng A Di Đà ở giữa, hai bên là 2 tượng bồ tát Quan Thế Âm và Đại Thế Chí. Đây là tác phẩm nghệ thuật mang đậm phong cách đầu thế kỷ XIX. Lớp thứ ba, Quan Âm chuẩn đề được tạo tác trong tư thế ngồi liên hoa trên đài sen nở mãn khai. Toàn bộ tượng và bệ sen được đặt trên một bệ sen với 2 lớp cánh ngửa, hai bên là tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ được tạc trong tư thế đứng, tay chắp lại trước ngực. Lớp thứ tư là tượng Ngọc Hoàng ở giữa, 2 bên là tượng Tuyết Sơn và tượng Di Lặc. Lớp cuối cùng trên Tam bảo là tòa Cửu long ở giữa, hai bên là tượng Thổ địa, Giám trai.
Chùa Đại Bi đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2007./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02