Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Dư Dụ (huyện Thanh Oai)

Sơn Dương (t/h) 21/08/2023 13:56

Chùa Dư Dụ hiện nay thuộc xã Thanh Thủy, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

chua-du-du-to.jpg
Chùa Dư Dụ

Chùa có tên chữ là Phúc Sinh tự còn dân gọi theo tên thôn là chùa Dư Dụ.

Chùa chính làm theo kiểu chữ “đinh”. Các bộ vì được làm theo kiểu “chồng rường, giá chiêng”. Mới đầu, chùa chỉ có 1 gian 2 chái, dấu vết còn lại là nền cao hơn hẳn của toà Thượng điện so với Tiền đường. Nhưng điều đáng quan tâm ở đây chính là những dấu vết ở bệ tượng và đài sen bộ Tam thế mang dấu ấn cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Tuy những pho tượng cổ không còn, nhưng các bệ này vuông, chạm nổi nhiều lớp hoa sen hình sừng vắt chéo, đây là những hoa văn đặc trưng của thời Lê. Bệ tượng đức Quan Âm chuẩn đề trang trí phù điêu đầu quỷ đội tượng có hàng hoa văn móc xoắn và hạt tròn...

Hiện nay, bố cục tượng trong chùa được bài trí trên cùng là bộ Tam thế, tiếp theo là Di Đà Tam tôn, lớp thứ 3 là pho Hoa Nghiêm Tam thánh, lớp thứ 4 là pho Thiên thủ thiên nhãn và lớp cuối cùng là Thích Ca sơ sinh, hai bên có Phạm Thiên và Đế Thích.

Ngoài Tiền đường còn bài trí bộ Hộ pháp ngồi trên sư tử, pho Đức Ông và Thánh Tăng đối xứng hai bên và vị trí ngồi ngược với cách bài trí tượng truyền thống. Chuyện kể rằng: Trẻ nhỏ làng Dư Dụ xưa kia thường bị ốm nên phải đổi pho Đức Ông vào chỗ đức Thánh Tăng.

Trong số các hiện vật mà chùa còn bảo lưu được, đáng chú ý nhất là những mảng chạm trên y môn gian giữa. Tại y môn này trang trí các đề tài thuỷ trúc rất công phu và sống động. Một nhang như chuyển tải tỉnh thần tịnh độ qua tác phẩm Cửu phẩm liên hoa, xung quanh lại điểm xuyết bông sen nước. Ngoài ra chùa còn có một chiếc khánh đồng đúc vào năm Minh Mệnh thứ 10 (1829).

Chùa Dư Dụ đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)