Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Duệ (quận Cầu Giấy)

Sơn Dương (t/h) 21/08/2023 10:59

Chùa Duệ hiện nay thuộc phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

chua-due-tu.jpg
Chùa Duệ

Chùa Duệ (Duệ Tú) có tên chữ là “Quảng Khai tự” (chùa Quảng Khai) thuộc phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy. Trước đó, di tích thuộc địa phận xóm Duệ, thôn Tiền, xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm. Phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy từ thời Lê trở về trước là xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Thời hậu Lê mang tên thôn Khánh Duệ. Thời Nguyễn, thuộc địa dư thôn Tiền, xã Dịch Vọng, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.

Tương truyền chùa được xây dựng từ đời Lý Nhân Tông là nơi tu hành của nhà sư Lê Đại Điên, tên là Lê Nghĩa. Theo bản ngọc phả ghi năm 1579 và bản sao năm 1737 thì Lê Nghĩa, sau khi cha mẹ chết, liền biến nhà mình thành chùa để thờ Phật và cha mẹ. Đại Điền cùng học kinh Phật và pháp thuật với Từ Vinh người làng Yên Lãng. Từ Vinh dùng pháp thuật chống lại Diên Thành Hầu, nên đã bị Diên Thành Hầu nhờ Đại Điên giết chết vứt xác xuống sông Tô Lịch. Sau đó con Từ Vinh là Từ Lộ (tức Từ Đạo Hạnh) đã đi tu và học pháp thuật giết chết Đại Điên để trả thù cho cha.

Ngôi chùa hiện toạ lạc trên một khu đất ngay đầu thôn Tiền. Khác với những ngôi chùa cổ thường quay hướng nam hoặc đông nam, di tích chùa Duệ quay hướng đông - hướng của các thần linh, theo tự nhiên gắn với mặt trời mọc, bởi mặt trời quyết định sự sống trên trái đất, nhất là sau một đêm tối tăm, ánh sáng đó được coi đem đến sức sống cho vạn vật.

Chùa đã được tu sửa nhiều lần, nguyên dạng còn lại là của lần tu sửa năm 1936, 1985, 1994, 2001.

Kiến trúc chùa gồm Tam quan, Tam bảo, điện Mẫu và khu phụ. Tam quan chùa có mái chia làm 3 gian, bộ vì làm kiểu vì kèo quá giang, gian giữa là nơi treo quả chuông đúc năm Gia Long 14 (1815). Toà Tam bảo hình chữ “đinh”, Tiền đường gồm 5 gian, Hậu cung 1 gian xây kiểu tường hồi bít đốc. Trên bờ nóc trang trí hình lưỡng long chầu nguyệt.

Trong chùa còn giữ được một số pho tượng Phật mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII - XIX. Bên cạnh các tượng Phật lại có tượng Đại Điên to bằng người thật, ngồi trong khám. Bên cạnh đó có bia đá dựng năm Bảo Đại 16 (1941) chép 3 đạo sắc phong cho Đại Điền vào năm Gia Long 9 (1810), Duy Tân 9 (1915) và của Khải Định nhân tứ tuần đại khánh.

Điện Mẫu mới được xây dựng năm 2001 mang đậm nét kiến trúc cổ truyền Việt Nam.

Chùa có lễ hội hàng năm cùng với chùa Láng vào mùa xuân ngày 7/3 âm lịch.

Chùa Duệ đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1989./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)