Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Cát Bi (huyện Phú Xuyên)

Sơn Dương (t/h) 21/08/2023 09:00

Chùa Cát Bi tọa lạc tại xã Thụy Phú, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

chua-cat-bi.jpg
Chùa Cát Bi

Chùa có tên thường gọi là chùa Cát Bi, tên chữ là Phổ Am tự. Cũng như nhiều ngôi chùa khác, chùa Cát Bi thờ Phật theo phái Đại thừa. Ngoài ra chùa còn thờ hệ thống tứ pháp nên có dạng chùa kiểu: “Tiền Thánh hậu Phật”

Về kiến trúc ngôi chùa, mặt bằng tổng thể hình chữ “nhị” với toà Tiền đường và Thượng điện.

Toà Tiền đường là nơi thờ tứ pháp, với 5 gian 2 chái, 2 mái chảy lợp ngói ri. Các bộ vì liên kết theo kiểu thức “Thượng chồng rường, hạ kẻ chuyền, bảy hiên”. Trên thân má kẻ chạm trang trí rồng quần tụ với những đao mác nghệ thuật thời Hậu Lê. Tại toà này còn bài trí nhang án, hai khám thờ, cửa võng…; đặc biệt trong khám thờ có đặt pho tượng Pháp Vân và Pháp Vũ là tượng tròn nghệ thuật thời Nguyễn.

Tiếp sau toà Tiền đường là toà Thượng điện thờ Phật theo phái Đại thừa. Toà này gồm 2 hạng mục là Tam bảo và Thượng điện hậu. Các bộ vì của toà này tương tự như nhau, kết cấu kiểu: “Thượng chồng rường, hạ kẻ truyền, bảy hiên”. Nơi đây có bài trí hệ thống tượng theo thứ tự: cao nhất là 3 pho Tam thế, tiếp đến là pho Di Đà Tam tôn, hàng thứ 3 là Quan Âm chuẩn đề, cuối cùng là pho Thích Ca sơ sinh. Trên hệ thống tượng Phật thì các pho Tam thế, Quan Âm chuẩn đề và bộ Di Đà Tam tôn có niên đại thời Lê, rất quý và có giá trị trong việc nghiên cứu nghệ thuật chạm tượng thời Lê.

Ngoài các công trình chính nêu trên, trong tổng thể kiến trúc chùa Cát Bi còn có các hạng mục phụ trợ khác như: một ngôi phía trước Tiền đường, làm kiểu 2 tầng 8 mái đao cong, nghệ thuật kiến trúc Nguyễn sớm với những con giống, mặt trời... là các tác phẩm nghệ thuật khác phổ biến thời đó. Phía sau Thượng điện còn có hạng mục nhà Tổ, nhà khách, nhà tăng xây kiểu tường hồi bít đốc với 2 mái chảy lợp ngói ri. Kết cấu bộ vì chủ yếu làm theo lối dân gian vì kèo quá giang với kỹ thuật bào trơn đóng bén.

Hàng năm vào ngày Phật đản cũ mùng 8 tháng 4 âm lịch, làng Cát Bi lại tổ chức hội chùa. Trong ngày này diễn ra các hoạt động lễ Phật và tứ pháp, hội có rước kiệu, múa rồng và nhiều hoạt động văn hoá, thể thao khác. Đặc biệt chú ý trong phần hộ có lễ rước kiệu trên thuyền rồng bơi ra sông Hồng. Thuyền rồng ở giữa dòng sông Hồng, lấy nước vào choé đưa lên kiệu rước về cả đình và chùa. Nước đó được dùng làm lễ mộc dục cho hệ thống tượng. Hoạt động rước nước trên thuyền rồng, hội đua thuyền là nét đẹp văn hoá truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc của vùng kinh tế nông nghiệp đồng bằng sông Hồng.

Chùa Cát Bi đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1993./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)