Làng nghề Tranh Khúc: Thương hiệu bánh chưng Thủ đô bay cao, vươn xa
Tại Hà Nội, có một làng nghề bất kể ngày Tết hay ngày thường, người dân luôn đỏ lửa với những nồi bánh chưng được gói vuông vắn, vị thơm ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thậm chí sản phẩm làng nghề đã xuất hiện tại thị trường nước ngoài để người Việt xa xứ cúng lễ ngày Tết. Đó là làng nghề làm bánh chưng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội).
Thương hiệu bánh chưng truyền thống nức tiếng
Nghề làm bánh chưng Tranh Khúc có thể bắt nguồn từ thời nhị vị công chúa Lý Từ Thục và Lý Từ Huy (thời nhà Lý) cùng hai thị tỳ là Quỳnh Hoa, Quế Hoa tu hành, đắc đạo tại chùa Phù Liệt. Các bà dạy dân nhiều nghề trong đó có nghề làm bánh trái của chốn cung đình và nghề làm bánh được duy trì đến ngày nay.
Đặt chân đến Tranh Khúc gần ngày Rằm tháng Bảy (Âm lịch) gần đây, dạo quanh một vòng, chúng tôi bắt gặp nhiều gia đình, già trẻ gái trai, người thì gói bánh, người buộc lạt, người lại xếp bánh chưng vào nồi để chuẩn bị luộc bánh như ngày Tết đang đến gần.
Dừng chân tại cơ sở sản xuất bánh chưng Thành Trung thuộc diện quy mô nhất ở Tranh Khúc, chúng tôi gặp anh Nguyễn Duy Thành - chủ cơ sở, anh cho biết, Tranh Khúc từ trước đến này là “vựa bánh chưng” của Thủ đô dịp Tết hoặc những ngày lễ truyền thống của người Việt trong năm. Từ 2011, Tranh Khúc đã được UBND Thành phố Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống.
Ngày thường, cơ sở sản xuất bánh chưng của anh Thành vẫn gói cả trăm chiếc bánh chưng, ngày Rằm hoặc mồng Một (Âm lịch) số lượng sẽ nhiều hơn, phải thuê thêm người làm. Người dân nơi đây bận rộn nhất vào tháng Chạp, người người nhà nhà tất bật sớm khuya "trả" đơn hàng cả nghìn bánh chưng/ngày.
Sản phẩm làng nghề Tranh Khúc cũng đã định vị được thương hiệu, không bị hòa lẫn với bất cứ nơi nào. Nguyên liệu làm ra một chiếc bánh chưng Tranh Khúc không khác biệt với lá dong, đậu đỗ, thịt heo. Nhưng "bản sắc" của bánh chưng Tranh Khúc ở chỗ, người dân nơi này chọn lá dong là loại lá tẻ, bản to, không bị sâu, rách từ vựa lá nổi tiếng Tràng Cát của huyện Thanh Oai. Nếu lá dong chưa “chuẩn” và đáp ứng được số lượng, người làng Tranh Khúc phải đặt mua lá dong ở các vùng của Nghệ An, Hà Tĩnh.
Gạo gói bánh chưng Tranh Khúc được người dân chọn lựa kỹ càng, phải là gạo nếp cái hoa vàng hoặc gạo nhung của Nam Định. Thịt làm nhân thường là thịt ba chỉ tươi ngon, sau đó được ướp gia vị vừa đủ, không mặn không nhạt. Đặc biệt, nếu bánh chưng ở các nơi khác của Việt Nam thường gói bằng đỗ sống thì ở làng Tranh Khúc, đỗ sau khi tách vỏ sẽ được trộn muối và hấp trong vòng nửa tiếng đầu cho đến khi bở, dền. Khi đồ đậu, người dân làng Tranh Khúc sẽ cho một ít gạo nếp vào cùng để được dẻo và ngon hơn.
Tất cả những "bí quyết" đó cùng đôi bàn tay khéo léo của người Tranh Khúc gói không cần khuôn, thời gian gói một chiếc bánh chỉ 30 giây nhưng được nén chặt, luộc bánh trong khoảng từ 10 đến 12 tiếng, khi ra lò, bánh chưng làng Tranh Khúc xanh đẹp, dẻo và khi ăn không bị ngấy. Người dân Tranh Khúc không gói bánh bằng khuôn vì nếu lỏng tay, bánh sẽ nhão, vừa không có tính thẩm mỹ vừa không đảm bảo vị ngon như gói tay.
Anh Nguyễn Duy Thành chia sẻ, đã làm nghề này cả chục năm nay, theo truyền thống cha truyền con nối. Người dân làng Tranh Khúc sinh ra và lớn lên đã được hít hà mùi gạo nếp, lá dong, đậu xanh, thịt heo ba chỉ được tẩm ướp thơm ngon. Đến làng Tranh Khúc bất kể thời gian nào, đặc biệt vào tháng Chạp, người cao tuổi đến các nam thanh nữ tú làng Tranh Khúc trong tiếng nói cười rộn rã vừa rửa lá, vo gạo, đãi đỗ, ướp thịt làm nhân... cùng đôi tay thoăn thoắt gói những chiếc bánh chưng vuông vắn, sắc nét.
Đổi mới, vươn cao và bay xa
Nếu một số làng nghề truyền thống khác đang đứng trước nguy cơ mai một, hoặc nhọc nhằn bảo tồn, thậm chí trong tình trạng “báo động đỏ” như làng nghề làm đàn Đào Xá (xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa), thì làng nghề Tranh Khúc cho thấy gam màu tươi sáng. Từ năm 2009 đến nay, làng nghề này đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho những sản phẩm truyền thống. Hơn thế, hiện có khoảng 200 hộ tại đây giữ nghề truyền thống làm bánh chưng.
Nghề gói bánh chưng đang chiếm khoảng 45% tổng thu nhập tại Tranh Khúc, các hộ gia đình làm nghề vẫn đang sống khỏe với sản phẩm gắn liền với văn hóa truyền thống của người Việt. Sản lượng bánh chưng làng nghề cung cấp cho thị trường ước tính 25.000 chiếc/hộ/năm, doanh thu khoảng 990 triệu đồng/hộ/năm, thu nhập bình quân người làm nghề từ 6,5 – 7 triệu đồng/người/tháng.
“Làm bánh chưng bây giờ đỡ mất sức hơn ngày xưa các cụ vẫn làm. Xưa các cụ luộc bánh hoàn toàn bằng bếp củi, bếp than, tốn nhiều thời gian mà đun như vậy lại không tốt cho môi trường. Giờ tiên tiến hơn, người dân đun bánh bằng nồi điện 3 pha, lò hơi. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, nhất là dịp Tết, cơ sở chúng tôi đã đầu tư lò hơi và 4 nồi luộc bánh chưng với lên tới cả trăm triệu đồng.
Một nồi bánh chưng đun bằng lò hơi tiêu tốn khoảng 9 đến 10 tiếng. Khi bánh chín thì vớt ra ép, hong cho nguội, đóng bao ni-lông, hút chân không, dán nhãn sản phẩm. Trải qua gần một ngày với nhiều công đoạn thì cơ sở chúng tôi mới hoàn thiện được sản phẩm, đưa ra thị trường. Từ trước đến nay bánh chưng Tranh Khúc chưa bao giờ để xảy ra tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Chúng tôi làm nghề này còn phải có cả cái Tâm”, anh Nguyễn Duy Thành, chia sẻ.
Ngoài bánh chưng truyền thống, một số cơ sở ở Tranh Khúc còn đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đơn cử cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Duy Thành, ngoài bánh chưng truyền thống còn làm bánh chưng gù, bánh chưng gấc, bánh chưng gạo lứt… với hương vị thơm ngon, hình dáng bắt mắt được người dùng ưa chuộng. Làng nghề Tranh Khúc hiện có 1 cơ sở sản xuất sản phẩm bánh chưng đã được UBND Thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao, 1 cơ sở sản xuất có 2 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao (bánh chưng ngũ sắc và bánh chưng nếp cẩm).
Tiếng làng đồn xa, bánh chưng làng Tranh Khúc hiện đã vang danh cả nước. Với bản sắc riêng có, mỗi dịp Tết, nhiều đơn vị, cơ quan chọn bánh chưng Tranh Khúc để làm quà tặng cho các đối tác, người lao động. Cũng trong dịp Tết cổ truyền, bánh chưng làng nghề Tranh Khúc xuất khẩu qua các quốc gia như Cộng hòa Séc, Ba Lan, Nga, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… có cộng đồng người Việt Nam đông đảo, để những người con xa xứ cúng gia tiên và cùng gìn giữ truyền thống văn hóa người Việt hàng ngàn đời nay.
Đi trên con đê sông Hồng, rời làng Tranh Khúc - vùng quê yên bình cách trung tâm Thủ đô gần 20 km với cổng làng cổ kính, cây đa, sân đình…, khi ngoảnh lại, chúng tôi vẫn thấy những nếp nhà dậy khói luộc bánh chưng từ nồi điện 3 pha, lò hơi. Và mùi vị bánh chưng của làng nghề hòa theo con gió, cùng chúng tôi trở về nội thành Hà Nội tấp nập người, xe...