Đón bắt dòng đầu tư mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ

Tin tức - Ngày đăng : 15:18, 29/12/2020

Sáng 29-12, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 bước sang ngày làm việc thứ hai, với phần tham luận của đại diện tập đoàn, tổng công ty, bộ trưởng, thành viên Chính phủ.
Đón bắt dòng đầu tư mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Ảnh: TTXVN

Mở đầu phiên làm việc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường bày tỏ cảm ơn sự chỉ đạo chính xác, quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gặp riêng ngành Dệt may hai lần, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trực tiếp chỉ đạo ngành Dệt may các sản phẩm phòng dịch. Các bộ trưởng đều có cuộc làm việc riêng để giải quyết các khó khăn của ngành trong những tháng tình hình dịch gay gắt nhất ” - ông Lê Tiến Trường nói.

Nhờ đó, ngành Dệt may Việt Nam là nước duy nhất trong top 5 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới không bị cách ly và không bị dừng sản xuất, cơ bản duy trì được việc làm cho người lao động với trên 4 triệu người, dù việc ít đi, thu nhập thấp đi nhưng vẫn trên mức trung bình, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Không những vậy, ngành Dệt may Việt Nam còn lần đầu đạt tăng trưởng 20% tại thị trường Mỹ. Trong khi đó, lợi nhuận thời trang toàn cầu giảm 93%, hơn 10 chuỗi cung ứng và thương hiệu thời trang lớn phá sản, khoảng 200.000 lao động trong chuỗi cung ứng thời trang của Mỹ đã mất việc làm.

Nhận định, năm 2021 dự báo còn nhiều khó khăn và bất định; xu thế giảm giá, hàng hóa đơn giản sẽ thay thế hàng thời trang, dẫn tới năng lực sản xuất sẵn có sẽ trở nên dư thừa và xuất hiện nhiều yêu cầu các năng lực sản xuất mới..., ngành Dệt may đã đề ra kế hoạch bằng năm 2020, xuất khẩu cao nhất 39 tỷ USD. Ông Lê Tiến Trường nêu một số kiến nghị với Chính phủ về tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lãi suất vay dài hạn để doanh nghiệp dệt may tiếp tục có bệ phóng nỗ lực phát triển.

Phòng, chống dịch Covid-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu

Đón bắt dòng đầu tư mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tham luận, nhấn mạnh kết quả năm 2020, rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành. Bộ trưởng cũng giải đáp các vấn đề được các địa phương, doanh nghiệp đặt ra như liên quan tới thu hút đầu tư, quy hoạch, đầu tư công…

Theo đó, để hoàn thiện khung khổ pháp lý, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV (kỳ họp thứ chín) thông qua 3 luật liên quan đến đầu tư và doanh nghiệp và 2 nghị quyết, gồm: Nghị quyết số 103/2020/QH14 ngày 8-6-2020 phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu và Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Hiện nay, Bộ đã trình Chính phủ ban hành 5 nghị định hợp nhất hướng dẫn thi hành các luật đã được Quốc hội thông qua.

Bên cạnh đó, Bộ đã và đang triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thi hành Luật Quy hoạch như: Tiến hành thẩm định để phê duyệt dự toán lập Quy hoạch tổng thể quốc gia và tiến hành thủ tục lựa chọn tư vấn lập Quy hoạch tổng thể quốc gia; tích cực hoàn thiện trình Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức họp thẩm định hồ sơ nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh, thành phố trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; cùng nhiều hoạt động hướng dẫn, phổ biến công tác xây dựng quy hoạch và chuyển tiếp quy hoạch khác.

Để triển khai có hiệu quả Luật Đầu tư công năm 2019, Bộ đã chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành 4 nghị định hướng dẫn thi hành. Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28-2-2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25-5-2020 về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài; đang khẩn trương hoàn thiện Đề án định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thời kỳ 2021-2025.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021. Theo đó, phòng chống dịch Covid-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu, quan trọng nhất để thực hiện các nhiệm vụ, việc mở cửa trở lại phải xem xét rất thận trọng. Cùng với đó, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, các đột phá chiến lược, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp, các sản phẩm. Đẩy nhanh chuyển đổi số, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao. Khẩn trương lập Đề án trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Tập trung hoàn thiện nhanh khung khổ pháp lý và triển khai các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số. Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp để các doanh nghiệp vươn ra quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

56/63 địa phương thu nội địa vượt dự toán được giao

Đón bắt dòng đầu tư mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, năm 2020, thu cân đối ngân sách địa phương ước vượt trên 40 nghìn tỷ đồng, bằng 106% dự toán. Đến nay có 56/63 địa phương thu nội địa vượt dự toán được giao. Nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân, các cơ quan nhà  nước thực hiện tiết kiệm 70% kinh phí hội nghị, hội thảo, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm 10% chi thường xuyên. Hiện nguồn thực hiện các khoản chi quan trọng theo dự toán, đặc biệt là chi đầu tư phát triển, đồng thời bổ sung chi phòng chống dịch, hỗ trợ người lao động bị giảm sâu vào thu nhập, chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh vẫn bảo đảm.

Năm 2021, ngành Tài chính khẩn trương rà soát, báo cáo Chính phủ và các cấp có thẩm quyền các giải pháp ưu đãi, miễn giảm, giãn các khoản thuế, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thu hút các nguồn dịch chuyển vốn đầu tư phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn kế hoạch... Để đạt mục tiêu này, Bộ Tài chính đề nghị các ngành, cấp ủy chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo công tác quản lý ngân sách bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thu; chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế, buôn lậu gian lận thương mại, xuất xứ, giao chỉ tiêu giảm nợ đọng thuế, trốn thuế 5%, phấn đấu tăng thu ngân sách tối thiểu 3% so với dự toán ngân sách được giao…

Chủ động phòng tránh các vụ khiếu kiện đầu tư, thương mại

Sau phát biểu của lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp đồng bộ, kiên quyết thực hiện “mục tiêu kép” là vừa ngăn chặn dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cần chủ động phòng tránh các vụ khiếu kiện đầu tư, thương mại, quốc tế.

“Cơ chế phối hợp giải quyết các vụ việc đã được Thủ tướng ban hành, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung xử lý các vướng mắc ngay từ đầu. Bộ Tư pháp chủ trì xử lý vấn đề này cho thật tốt”, đồng chí Trương Hòa Bình lưu ý.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu chú trọng công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch; tập trung lập quy hoạch tổng thể quốc gia, đất đai, quy hoạch vùng và quy hoạch của các bộ quản lý chuyên ngành, quy hoạch tỉnh, để cơ bản xong trong năm 2021. Cùng với đó, dự trù nguồn vốn, kế hoạch thực hiện cụ thể đối với các dự án. Tập trung thực hiện các thủ tục đầu tư, tránh tình trạng mất 2 năm chuẩn bị cho một dự án.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu về công tác giải ngân nguồn vốn ODA. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi thêm một số nội dung về phòng, chống dịch Covid-19 và những thách thức đặt ra, nhất là tình trạng nhập cảnh trái phép đang diễn biến phức tạp.

Đưa Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu quan trọng về tạo chuyển biến trong cả hệ thống. Thủ tướng cho rằng, chưa bao giờ hội nghị Chính phủ với các địa phương nhận được sự nhất trí, đồng thuận cao như lần này, nhất là về các giải pháp để triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Thủ tướng cho biết, các địa phương đã gửi 319 kiến nghị cụ thể về các vấn đề lớn của đất nước. Các ý kiến phát biểu đều tâm huyết, trách nhiệm, cho thấy quyết tâm, khát vọng vươn lên mạnh mẽ.

“Các tư lệnh ngành không được im lặng với kiến nghị, đề xuất. Thay vào đó, cần có sự tâm huyết, sáng tạo, lăn xả, hy sinh làm việc để bộ, ngành mình phát triển. Thường xuyên trao đổi, xử lý trực tiếp các vấn đề bức xúc trong sản xuất, kinh doanh, chấn chỉnh nạn quan liêu, giấy tờ để đỡ mất thời gian, mất cơ hội kinh doanh của người dân, doanh nghiệp”, Thủ tướng yêu cầu.

Đón bắt dòng đầu tư mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ
Thủ tướng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Về nhiệm vụ năm 2021, Thủ tướng lưu ý, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương không được chủ quan khi nền kinh tế trong nước còn nhiều hạn chế, yếu kém, đất nước còn nhiều khó khăn cần vượt qua; kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực và kéo dài... 

Thủ tướng kêu gọi cả nước phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng, với niềm tin và khát vọng mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) đạt 6,5% trong năm 2021.

“Cỗ xe tam mã gồm: Sản xuất - tiêu dùng - xuất khẩu cần được vận hành đồng bộ, quyết liệt. Mỗi phần trăm GDP tăng trưởng giải quyết hàng trăm nghìn việc làm trong nước", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng chỉ ra một số định hướng, trong đó có phát huy các ngành có thế mạnh như công nghệ thông tin, y tế, nông nghiệp sạch công nghệ cao và du lịch, dịch vụ.

"Tinh thần là bắt kịp mặt bằng chung của khu vực và thế giới, phấn đấu đưa Việt Nam là cường quốc nông nghiệp, sản xuất nông sản sạch và hiện đại", Thủ tướng nói.

Tận dụng tốt xu hướng dịch chuyển đầu tư

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hai dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về: Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 để trình Thủ tướng ký ban hành ngay từ ngày đầu năm 2021. Các cấp, ngành nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị để thực hiện hiệu quả, nhất là vấn đề phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa phù hợp, hiệu quả; chủ động có phương án chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm chất lượng sản phẩm để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.

Đối với các địa phương và các tập đoàn kinh tế, Thủ tướng đề nghị chú trọng tạo mặt bằng cho phát triển sản xuất và nguồn nhân lực, đón bắt dòng đầu tư mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ. Tận dụng tốt các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu; phối hợp với các bộ, ngành thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tới và hiện thực hóa khát vọng phát triển đến năm 2045, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Năm mới 2021 và Tết Nguyên đán sắp đến gần, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành chăm lo để người dân đón Tết vui tươi, an toàn, nhất là người dân ở vùng khó khăn, vùng thiên tai, nhưng cũng không được lơ là trong phòng, chống dịch Covid-19.

"Đặc biệt, không tổ chức đi chúc Tết cấp trên, lãnh đạo các cấp. Nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức", Thủ tướng nhấn mạnh.

HNM