Khu di tích Bạch Đằng Giang - niềm tự hào của người dân Thành phố Cảng

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 15:10, 03/01/2021

Tối ngày 2/1, tại Khu Di tích Bạch Đằng Giang, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, UBND TP Hải Phòng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Khu Di tích Bạch Đằng Giang và Chương trình nghệ thuật “Hào khí Bạch Đằng Giang”.
Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi tặng lẵng hoa chúc mừng UBND TP Hải Phòng nhân buổi lễ. 
Dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc;  Bộ trưởng Bộ Quốc phòng- Đại tướng Ngô Xuân Lịch; Bộ trưởng Bộ Công an- Đại tướng Tô Lâm; Nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa; Trưởng Ban nội chính Trung ương Phan Đình Trạc… cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ ban ngành, lãnh đạo TP Hải Phòng và các tỉnh, thành khác cùng hàng vạn người dân tham dự.
Niềm tự hào dân tộc
Buổi lễ nhằm thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với các anh hùng dân tộc đã có công lớn trong các trận chiến trên sông Bạch Đằng; khẳng định tiềm năng và trí tuệ của con người Việt Nam; những giá trị nổi bật của các trận thắng trên sông Bạch Đằng đối với lịch sử Việt Nam và thế giới.
Khơi dậy và nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần giáo dục và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, truyền thống yêu nước và đấu tranh giải phóng dân tộc hào hùng của dân tộc ta trong thời kỳ đổi mới; tuyên truyền những giá trị khoa học, giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của Khu Di tích Quốc gia Bạch Đằng Giang, từng bước nghiên cứu, bổ sung giá trị hướng tới trình đề nghị UNESCO công nhận quần thể di tích chiến thắng trên sông Bạch Đằng là di sản văn hóa thế giới.
Bên cạnh đó, buổi lễ cũng nhằm tôn vinh, giới thiệu và quảng bá những giá trị văn hóa tiêu biểu, độc đáo của di tích Quốc gia Bạch Đằng Giang và những tiềm năng của Hải Phòng, giới thiệu về một Hải Phòng với bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa đến du khách trong nước và quốc tế đang vươn mình mạnh mẽ hội nhập quốc tế.
Phát biểu tại buổi lễ ông Lê Văn Thành  - Bí thư TP Hải Phòng đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các tỉnh bạn cùng toàn thể người dân. Ông Thành cho biết; Hải Phòng là vùng đất cửa biển, miền Đông Bắc huyện Thủy Nguyên, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Thời phong kiến từ cửa biển Nam Triệu vào sông Bạch Đằng tàu thuyền sẽ ngược lục đầu giang vào thẳng tới kinh đô. Hai mặt sông Bạch Đằng là hệ thống sông ngòi dày đặc, núi non hiểm trở, có nhiều hang động và rừng rậm. Đặc biệt thuận lợi cho việc bố trí phòng thủ quốc gia. Vào thế kỷ thứ X và thế kỷ XIII đã diễn ra bao trận thủy chiến hào hùng của dân tộc ta, chống quân xâm lược phương bắc. Năm 938 người Anh hùng dân tộc Ngô Quyền đã sử dụng trận địa cọc gỗ, vận dụng quy luật thủy triều lãnh đạo nhân dân tổ chức chống quân xâm lược Nam Hán. Chỉ trong một ngày quân và dân ta đã đánh tan toàn bộ quân xâm lược, kết thúc chiến tranh, giải phóng dân tộc. Chấm dứt 1117 năm Bắc thuộc.
Sau chiến thắng anh hùng dân tộc Ngô Quyền đã xưng vương, bắt tay vào xây dựng triều đình, chọn các Âu lạc xưa làm kinh đô, mở ra một thời kỳ mới – thời kỳ độc lập tự chủ của đất nước. Trên dòng sông Bạch Đằng, năm 981 Hoàng đế Lê Đại Hành đã lãnh đạo nhân dân tiếp tục sử dụng phương pháp trận địa cọc gỗ để tổ chức kháng chiến, đập tan chiến trah xâm lược, giữ vững nền độc lập tự chủ đưa đất nước Đại Cồ Việt vào thời kỳ phát triển hùng mạnh.
Cũng trên dòng sông Bạch Đằng, năm 1288 một lần nữa Hưng Đạo Đại vương đã vận dụng sáng tạo địa hình, trận địa cọc gỗ và quy luật sông nước Bạch Đằng lãnh đạo quân và dân nhà Trần nhấn chìm hàng trăm chiếc thuyền của quân xâm lược Nguyên Mông. Lập nên một trong những chiến công oai hùng bậc nhất trong lịch sử, chấm dứt giấc mộng xâm lăng xuống khu vực Đông Nam Á của đế chế Nguyên Mông mở ra thời kỳ phát triển cho quốc gia.
Cùng với nhân dân cả nước, người dân Hải Phòng luôn có đóng góp to lớn, những người nông dân nơi miền cửa biển đã trở thành những chiến binh, dân binh đứng dưới ngọn cờ của các vị anh hùng dân tộc. Nhiều người đã trở thành những vị tướng tài giỏi được người dân lập đền thờ tôn vinh là Thành hoàng, vị thần trên nhiều làng quê, khu phố của Hải Phòng. Trên cùng một dòng sông trong 2 thế kỷ khác nhau diễn ra 3 trận quyết chiến chống giặc ngoại xâm.
Chiến thắng đều thuộc về dân tộc chính nghĩa, các chiến thắng trên sông Bạch Đằng đều là những dấu mốc trong lịch sử quan trọng trong lịch sử chống giặc. Mở ra một thời kỳ hòa bình, phát triển của đất nước. Tất cả đã tạo nên một dòng sông Bạch Đằng huyền thoại, ngàn năm qua trong tâm thức mọi người dân Hải Phòng thì Bạch Đằng là dòng sông linh thiêng, mạch nguồn sức mạnh kỳ diệu của dân tộc. Niềm tự hào ấy đã góp phần hun đúc lên bản sắc, phẩm chất của người dân Hải Phòng. Đó là tinh thần trung kiên, ý chí, kiên cường… trở thành nguồn lực sức mạnh nội sinh cho sự phát triển TP.
Với tấm lòng thành kính tri ân các vị anh hùng dân tộc, các bậc tiên liệt, Nhân dân TP Hải Phòng đã tận tâm xây dựng khu di tích Tràng Kênh – trung tâm của chiến trường năm xưa.
Việc tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Khu Di tích Bạch Đằng Giang cũng sẽ giúp phát huy giá trị Khu Di tích, từ đó hình thành và nâng cấp các sản phẩm du lịch tại huyện Thủy Nguyên và kết nối các tua, tuyến trong thành phố nhằm tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn mang đậm bản sắc văn hóa, mảnh đất và con người Hải Phòng.
Dấu ấn trong tâm thức người dân TP Cảng
Từ năm 2008 đến nay, các công trình trong khu di tích đã lần lượt được xây dựng, tạo nên một quần thể di tích uy nghi, lung linh soi bóng xuống Bạch Đằng Giang lịch sử. Khu di tích lưng tựa núi, chân đạp sông, mắt dõi biển Đông, tạo thành điểm tựa tâm linh cho cả vùng Đông Bắc Tổ quốc.
Điểm nhấn trong quần thể di tích không thể không nhắc tới ngôi đền mang tên Bạch Đằng Giang thờ Đức Ngô Quyền Vương, người khai sinh trận địa cọc Bạch Đằng, đánh thắng quân Nam Hán năm 938, chấm dứt 1117 năm Bắc thuộc, mở ra nền văn minh Đại Việt.
Cách đền Bạch Đằng Giang chừng 500m là đền Tràng Kênh Vọng Đế thờ Đức Vua Lê Đại Hành, năm 981 ngài đã tái tạo lại địa cọc của Ngô Quyền, có công đánh Tống bình Chiêm, đưa Đại Cồ Việt ngang hàng với Đại Hán.
Tiếp đến là Linh từ Tràng Kênh thờ Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – ngài có công 3 lần đánh bại Nguyên Mông, đỉnh điểm là chiến thắng Bạch Đằng 1288, đập tan dã tâm xâm lược nước ta của Đế chế Nguyên Mông, mở ra nền văn minh Đông A rực rỡ.
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những địa điểm đặc biệt của khu di tích. Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Người luôn trong trái tim mọi người dân đất Việt. Nhiều đền, chùa đình, miếu trong cả nước đã lập bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu di tích Bạch Đằng Giang là nơi đầu tiên tại Hải Phòng lập đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh để nhân dân và du khách thập phương bày tỏ lòng thành kính, nhớ thương Người.
Hướng ra sông Bạch Đằng là 3 pho tượng của các bậc danh vương, danh tướng Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Trần Hưng Đạo, đứng uy nghi canh giữ nơi cửa sông lịch sử. Vị trí này gọi là Quảng trường Chiến thắng. Công trình được hoàn thành vào tháng Chạp năm Bính Thân 2016, đón xuân mới Đinh Dậu 2017.
Theo Ban Quản lý khu di tích Bạch Đằng Giang, các pho tượng được đúc bằng đồng nguyên khối, mỗi pho tượng có chiều cao 8m, trọng lượng 40 tấn.
Ba vị anh hùng được tạc với thần thái sống động, mỗi vị mang một sắc thái riêng. Đức vương Ngô Quyền đứng giữa, chân đạp sóng, tay chỉ thẳng dòng sông Bạch Đằng, nơi vùi xác quân thù.
Đức Hoàng đế Lê Đại Hành áo bào tung bay trong gió, tay nắm chặt đốc kiếm, mắt rực sáng thiêu đốt quân thù.
Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn khoan thai, tay phải giữ “Binh thư yếu lược” Bình Nguyên, tay trái nắm chắc chuôi gươm, dáng hiên ngang.
Cả 3 vị đứng trên bệ đá, lưng tựa tùng xanh Thiên niên thịnh, mắt dõi trùng khơi trong tư thế uy phong, rực sáng giữa màu xanh của trời, của non, của nước.
Dưới mặt nước là bãi cọc lim bịt sắt gồm 180 cọc được dựng lại dưới lòng sông, tượng trưng cho thế trận năm xưa mà các tiền nhân đã cho dựng lên để tiêu diệt quân thù…
Khu di tích Bạch Đằng Giang là một trong số ít địa điểm du lịch thực hiện thành công “3 không” (không thương mại, không thu phí, không rác thải). Nhờ nguyên tắc “3 không” này, khu di tích đã mang đến một không gian văn hóa, lịch sử yên bình đúng nghĩa.

KTĐT