Văn hóa – Di sản

Xây dựng hồ sơ trình UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Phan Anh 18:42 18/08/2023

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại (nay là xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng). Năm 45 tuổi ông mới dự thi, giành học vị Trạng nguyên, làm quan dưới thời nhà Mạc.

886.jpg
Di tích lịch sử đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (ảnh: internet)

Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng vừa tổ chức Hội nghị công bố Quyết định thành lập và ra mắt Ban vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhân kỷ niệm 450 năm ngày mất của ông (1585 – 2035).

Tại Hội nghị, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng công bố Quyết định số 2195/QĐ-UBND ngày 31.7.2023 về việc thành lập Ban vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhân kỷ niệm 450 năm ngày mất của ông (1585-2035). Theo đó, ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Ban vận động; bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao là Phó Trưởng ban Thường trực Ban vận động; bà Nguyễn Thị Bích Dung, Giám đốc Sở Ngoại vụ và ông Nguyễn Đức Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo là các Phó Trưởng ban Ban vận động.

Thành viên của Ban vận động còn có lãnh đạo Bộ Ngoại giao; các giáo sư, nhà nghiên cứu đầu ngành về lĩnh vực văn hóa, lịch sử; các chuyên gia giàu kinh nghiệm của cả nước tham gia xây dựng hồ sơ khoa học; cố vấn xây dựng hồ sơ trình UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Ban vận động có nhiệm vụ tham mưu về chuyên môn trong quá trình xây dựng hồ sơ; phương hướng mục tiêu và nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể hàng năm thực hiện việc xây dựng hồ sơ và vận động UNESCO; đánh giá các hoạt động của Ban vận động qua từng năm và dự báo các vấn đề phát sinh trong quá trình xây dựng hồ sơ khoa học.

Căn cứ các tiêu chí và thủ tục được thông qua tại Khóa họp Hội đồng chấp hành UNESCO lần thứ 195, Ban vận động phát động phong trào sáng tác, tổ chức trưng bày, nghiên cứu, hội thảo về danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm; thực hiện công tác sưu tầm, kiểm kê, thống kê, biên soạn, xuất bản về danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm; số hóa dữ liệu, thông tin về danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm; hoàn thiện hồ sơ theo quy định trình UNESCO…

Trong quá trình xây dựng hồ sơ, Ban vận động sẽ huy động các nguồn lực, tập trung nghiên cứu, thu thập thông tin, tài liệu về thân thế, sự nghiệp, vai trò và những đóng góp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Trong năm 2023 - 2024, Ban vận động tập trung triển khai phát động phong trào sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật về danh nhân văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm; tổ chức sản xuất phim, hội thảo về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; kiểm kê các công trình nghiên cứu về Nguyễn Bỉnh Khiêm; kiểm kê, lập thư mục các tác phẩm của ông.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại (nay là xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng). Năm 45 tuổi ông mới dự thi, giành học vị Trạng nguyên, làm quan dưới thời nhà Mạc.

Làm quan được 8 năm, triều Mạc bất ổn, ông dâng sớ vạch tội 18 nịnh thần nhưng vua Mạc Phúc Hải không đồng ý, vì vậy mùa thu năm Nhâm Dần (1542), ông từ quan về quê dựng Am Bạch Vân mở trường dạy học. Am Bạch Vân đã trở thành trung tâm đào tạo nhân tài của đất nước lúc đó với những tên tuổi còn mãi lưu sử sách như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Quyện, Đinh Thời Trung, Lương Hữu Khánh…

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại cho đời sau rất nhiều tác phẩm thơ ca đặc sắc. Đặc biệt, ông được biết tới với những lời tiên tri ứng nghiệm còn được gọi “sấm Trạng”.

Năm 2015, Di tích lịch sử đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận lễ hội Đền thờ Trạng Trình là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia./.

Phan Anh