Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Bồ Đề, đình Cự Chính, gò Đống Thây (quận Thanh Xuân)

Sơn Dương (t/h) 17/08/2023 15:28

Chùa Bồ Đề, đình Cự Chính, gò Đống Thây đều thuộc phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

chua-bo-de-tx.jpg
Chùa Bồ Đề

Chùa Bồ Đề là một ngôi chùa có quy mô kiến trúc vừa phải, Tam quan đẹp, toà Tam bảo, Tiền đường, Thượng điện được xây theo kiểu bít đốc. Chùa có quả chuông cũ và một chuông đúc năm 1814 (Giáp Tuất, đời Gia Long thứ 13).

Đình Cự Chính trước kia là một ngôi đình có kiến trúc to và đẹp nổi tiếng trong vùng. Đình còn có tên là đình “Con Cóc” vì trên cột có chạm con cóc, ngụ ý cầu mưa.

dinh-cu-chinh.jpg
Đình Cự Chính

Năm 1946 đình đã bị tàn phá trong chiến tranh. Đình hiện nay mới được xây dựng lại. Ngoài hệ thống tượng Phật, đồ thờ đình còn lưu giữ được một dấu tích rất đặc biệt, đó là ở phía trái trước đình có một giếng khơi đường kính miệng giếng chỉ có 40cm. Căn cứ vào nét chạm khắc trên đá ở miệng giếng, có thể thấy được là giếng đã được đào vào thế kỷ XVII.

Tương truyền khi nghĩa quân Lam Sơn bao vây thành Đông Quan (Hà Nội) cuối 1426 đầu 1427, có một cánh quân đã đóng bản doanh tại chùa Bồ Đề, đình Cự Chính.

Gò Đống Thây là di tích một loạt những gò đống tương truyền là nơi chôn xác quân Minh xâm lược bị nghĩa quân Lê Lợi tiêu diệt. Theo Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên (quyển X, kỷ nhà Lê, Thái Tổ Cao hoàng đế tập II Đại Việt sử ký - Bản kỷ thực lục) trang 33, 34: “Ngày hôm ấy (20 tháng 9 năm Bính Ngọ (1426) Lê Triện đánh nhau với quân Minh ở cầu Nhân Mục (làng Mọc) chém được hơn 1000 thủ cấp, bắt được đô ty Minh là Vị Lượng”. “Ngày 6 tháng 10 Bính Ngọ... quân phục (ta) nổi dậy đánh ngang vào giặc, quân giặc bị sa lầy, ta chém được hơn 1000 thủ cấp, đuổi mãi đến cầu Nhân Mục. Xác quân giặc chết ngổn ngang đến vài mươi dặm...” (Nhân Mục tên nôm là Mọc, tên cũ của Nhân Chính).

go-dong-thay.jpg
Gò Đống Thây

Hiện nay ở đây chỉ còn một số gò, gọi chung là Đống Thây. Cụm di tích chùa Bồ Đề, đình Cự Chính, gò Đống Thây tuy không còn vẻ quy mô lộng lẫy như trước nhưng có giá trị lịch sử đặc biệt trong sự nghiệp chống ngoại xâm, giải phóng đất nước của dân tộc ta.

Lễ hội Nhân Chính theo tục lệ xưa là lễ hội của năm làng Mọc nơi có rất nhiều di tích lịch sử thể hiện rõ truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của người dân Thăng Long xưa. Thời gian lễ hội từ ngày 9 đến 11 tháng hai âm lịch. Chính hội là 11 tháng 2 . Phần lễ có rước kiệu, biển, lọng, rồi tế dâng hương, các đoàn múa rồng, múa lân. Hội vui có vật, chọi gà, múa kiếm, cờ người, múa roi, bắt vịt..., ngâm thơ, hát cổ truyền...

Cụm di tích chùa Bồ Đề, đình Cự Chính, gò Đống Thây đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật ngày năm 1990./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)