Điểm hẹn cuối tuần

Cột cờ Hà Nội – biểu tượng quân sự thiêng liêng giữa lòng Thủ đô

Ngân Hà (t/h) 08:04 18/08/2023

Cột cờ Hà Nội được xem là biểu tượng quân sự giữa lòng Thủ đô, tạo cho du khách có cơ hội tiếp cận với chứng nhân lịch sử và chạm vào biểu tượng đem đến sự tự hào cho dân tộc.

Cột cờ Hà Nội là công trình trình lịch sử đặc biệt và có quy mô hoành tráng nhất trong quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long. Không chỉ là biểu tượng của Thủ đô thân yêu, Cột cờ còn là chứng tích cho một thời kháng chiến chống Pháp oanh liệt, dấu ấn kiên cường, bất khuất của các thế hệ con dân đất Hà thành. Đây là địa điểm bạn phải ghé qua khi có dịp đi du lịch Hà Nội.

1. Đôi nét về Cột cờ Hà Nội

Cột cờ Hà Nội nằm trên đường Điện Biên Phủ, thuộc quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Cột cờ được xây dựng ở phía Đông của Hoàng Thành Thăng Long, trên nền đất cũ của tòa thành Tam Môn nhà Lê. Ngày nay, cột cờ nằm trong khuôn viên của Bảo tàng lịch sử Quân đội Việt Nam, đối diện với vườn hoa Lê Nin.

cot-co-ha-noi-1.jpg

Cột cờ Hà Nội hay Kỳ đài Hà Nội là công trình được xây dựng từ thế kỷ 19, trên nền đất cũ của thành Tam Môn đời Lê trong Hoàng thành Thăng Long. Đây cũng chính là điểm dừng chân đầu tiên trong các tour tham quan Hoàng thành Thăng Long. Từ vị trí này, du khách sẽ được hướng dẫn di chuyển theo đường “ngư đạo”, qua Đoan Môn rồi đến Điện Kính Thiên – vị trí quan trọng nhất trong Hoàng Thành.

Với kiến trúc độc đáo, cổ kính với quốc kỳ tung bay trên bầu trời suốt 77 năm qua, cột cờ Hà Nội trở thành điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình khám phá vùng đất nghìn năm văn hiến.

2. Thời gian đón khách và giá vé tham quan Cột cờ Hà Nội

Vì là di tích trực thuộc khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử Quân đội Việt Nam nên Kỳ đài sẽ mở cửa cho khách tham quan từ 8h – 17h hàng ngày. Vé tham quan có mức giá là 20.000 VND/ người. Giảm giá 50% cho học sinh, sinh viên và người trên 60 tuổi. Riêng người có công với Cách mạng và học sinh dưới 15 tuổi thì được miễn phí hoàn toàn.

3. Các cột mốc lịch sử của Cột cờ Thủ đô

Cột cờ Hà Nội được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn, từ năm 1805 đến 1812, cùng thời gian với Thành Hà Nội. Công trình được xây dựng theo kết cấu dạng tháp, có vai trò là đài quan sát khu vực nội và ngoại thành lúc bấy giờ. Đây cũng chính là lý do mà chính quyền đô hộ Pháp không phá bỏ công trình này trong giai đoạn từ 1894 – 1897.

cot-co-ha-noi-4-820x1024.jpg

Trong kháng chiến chống Mỹ, Cột cờ được bộ đội Phòng không Hà Nội trấn giữ và sử dụng với mục đích tương tự. Năm 1945, sau khi Cách Mạng Tháng Tám thành công, là lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng được cắm lên đỉnh Kỳ đài. Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi hoàn toàn, lá Quốc kỳ lại một lần nữa tung bay.

Ngày 10/10/1954, đúng 15h là thời khắc mà tiếng Quốc ca vang vọng giữa tiếng hò reo và hình ảnh lá cờ bay phất phới. Cũng chính từ giây phút đó, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Cột cờ Hà Nội đã trở thành biểu tượng cho nền độc lập, tự do của đất nước Việt Nam. Năm 1989, Kỳ đài chính thức được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử.

4. Kiến trúc độc đáo của Cột cờ Hà Nội

cot-co-ha-noi-7.jpg

Cột cờ có chiều cao khoảng 33m, tính cả phần trụ treo cờ là 44 m. Cấu trúc chung gồm 3 tầng đế và 1 toà tháp. Phần tầng đế có hình chóp vuông cụt, kích thước nhỏ dần và đặt chồng lên nhau theo thứ tự. Tầng 1 có chiều cao 3,1 m, độ dài mỗi cạnh là 42,5 m, 2 mặt có cầu thang gạch dẫn lên tầng 2. Tầng 2 cao tầm 3,7 m, độ dài các cạnh là 27 m, 4 cửa có đắp tên.

cot-co-ha-noi-8-1024x546.jpg

Cửa Nam được đắp 2 chữ “Hướng Minh”, Cửa Đông tên “Nghênh Húc”, Cửa Tây là “Hồi Quang”, riêng Cửa Bắc thì không đắp chữ. Tầng 3 cao 5,1 m, mỗi cạnh dài 12,8 m, có cửa lên cầu thang hướng về phía Bắc. Tầng trên là phần thân của Cột cờ có chiều cao 5,1 m, dài 18,2 m, dạng hình trụ 8 cạnh nhỏ dần lên trên, cạnh đáy rộng chừng 2 m.

Trong thân của Cột cờ có 39 lỗ thông hơi hình dẻ quạt và một cầu thang xoắn bằng đá gồm 54 bậc thang dẫn lên đến đỉnh. Du khách đến tham quan Cột cờ Hà Nội có thể di chuyển đến đài quan sát trên cùng để ngắm cảnh.

Hướng Bắc: Lầu Công Chúa, Đoan Môn, Cửa Bắc.
Hướng Đông: Hồ Gươm, Nhà Bưu điện.
Hướng Tây: Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình.
Hướng Nam: không gian mở với nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu của Hà Nội.
cot-co-ha-noi-9.jpg

Phần còn lại đỉnh Cột cờ, nhìn từ xa trông giống hệt một cái lầu bát giác cao 3,3 m, 8 cạnh sẽ tương ứng với 8 cửa sổ. Chính giữa lầu là một hình trụ tròn, đường kính chừng 40 cm và cao đến tận đỉnh, đây chính là nơi để cắm cán cờ. Lá cờ được treo trên đỉnh có diện tích 24 m2 (4 x 6 m), được may bằng vải phi bóng với 3 đường chỉ. Góc cờ được chần hình quả trám để chống chịu với những trận gió to.

5. Những vấn đề cần lưu ý khi đi tham quan, khám phá Cột cờ Hà Nội

Tuân thủ các quy định của đơn vị quản lý di tích: không xâm hại hiện vật, cảnh quan trong di tích, không viết, vẽ bậy hoặc khắc tên lên các hiện vật lịch sử.
Lựa chọn trang phục gọn gàng, lịch sự, không nên mặc quần hoặc váy quá ngắn.
Không hút thuốc, gây mất an ninh, trật tự trong quá trình tham quan di tích.
Không mang theo vũ khí hoặc chất dễ cháy nổ vào khuôn viên khu di tích.
Giữ gìn vệ sinh chung, để xe đúng nơi quy định và tự bảo quản tài sản cá nhân.
cot-co-ha-noi-2.jpg

Cột cờ Hà Nội là di tích mang đậm dấu ấn lịch sử, là minh chứng cho một thời kỳ gian khổ nhưng cũng rất đỗi hào hùng. Nếu có dịp đến với Hà Nội, các bạn đừng bỏ qua khu di tích được mệnh danh là “biểu tượng của Thủ đô” này nhé!

Ngân Hà (t/h)