Giáo dục

Hà Nội: Nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù đối với việc tuyển dụng giáo viên

Thu Trang 16:24 14/08/2023

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ nghiên cứu và đề xuất cơ chế đặc thù đối với việc tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

14_8-a1.jpg
Ngày 15/8 tới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục. 

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội năm học 2023-2024 là triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các khối lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11.

Đồng thời, tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để tiếp tục triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các khối lớp còn lại (lớp 5, 9 và 12) vào năm học 2024-2025. Đây cũng là ba khối lớp cuối cùng thực hiện chương trình mới.

Năm học 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên đã được giao.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu và đề xuất cơ chế đặc thù đối với việc tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018;

Đồng thời, xây dựng phương án tạo nguồn bổ sung giáo viên các cấp học, tăng cường đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tính đến hết năm học 2022-2023, toàn thành phố có 2.840 trường mầm non, phổ thông, 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Tổng số giáo viên hiện nay là khoảng 138.000 người.

Cũng về vấn đề giáo viên, ngày 15/8/2023, Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức sự kiện "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục".

Sự kiện là dịp để nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục được nói lên tâm tư, nguyện vọng, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình công tác. Đây cũng là dịp để Bộ trưởng lắng nghe ý kiến phục vụ công tác quản lý, điều hành, hoàn thiện chính sách; động viên, chia sẻ với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên công tác trong ngành.

14_8-a2.jpg
Giáo viên Trường Mầm non Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hướng dẫn các em mẫu giáo nhỡ trong tiết học thể dục (Ảnh: Nguyễn Khuyên).

Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề lớn như: Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (dạy học các môn tích hợp, bố trí giáo viên, tổ chức các cuộc thi trong nhà trường…);

Chế độ chính sách nhà giáo (tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non…); Điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên (trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hệ thống máy tính, nhà công vụ…).

Đối với giáo dục đại học, các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề như: Tự chủ đại học và vai trò đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ đại học;

Nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; Chuyển đổi số trong giáo dục và thích ứng của các trường đại học với chuyển đổi số; cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới …

Các ý kiến trên cùng thông tin thu thập từ sự kiện là cơ sở quan trọng để Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện các chế độ, chính sách, triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, lãnh đạo phù hợp với thực tiễn.

Qua đó, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục, bảo đảm điều kiện về đội ngũ để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo./.

Thu Trang