Văn hóa – Di sản

Kỳ 2 và hết: Gìn giữ hát múa Ải Lao lắm nỗi gian nan

Hải Kiên - Vũ Chi 14/08/2023 14:33

Năm 2016, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ghi danh hát múa Ải Lao phường Phúc Lợi (quận Long Biên, TP. Hà Nội) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này mở ra cơ hội bảo tồn, phát triển, làm đậm hơn bản sắc hát múa Ải Lao. Nhưng thực tế việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị hát múa Ải Lao còn lắm nỗi gian nan…

Nỗ lực giữ gìn di sản ngàn đời

Sau khi đất nước thống nhất, Hội Gióng đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) được khôi phục. Từ năm 1981, phường Ải Lao tái lập và duy trì đến tận ngày nay.

Phường Ải Lao có một người chỉ huy chính (tức ông Trùm), một ông trịch trống khẩu, một ông đánh chiêng, một người đeo cung nỏ, một người cần câu cá, hai người cầm cây bông, một người đội lốt hổ, còn lại khoảng 20 đến 24 người cần đôi sênh tre hoặc gỗ dài 22cm. Hiện phường Ải Lao tại phường Phúc Lợi có hơn 30 thành viên và đều là nam giới (quy định bắt buộc của nghệ thuật hát múa Ải Lao), trong đó người cao tuổi nhất là 83, trẻ nhất 42 tuổi. Tất cả thành viên phường Ải Lao tham gia đều với tinh thần tự nguyện, kinh phí tự túc.

img_20230813_153934.jpg
Các nghệ nhân phường hát múa Ải Lao vẫn bền bỉ giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể gắn với sự tích Thánh Gióng do ông cha để lại.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Trọng Hinh chia sẻ, trang phục ngày xưa giống nhau chỉ trừ người đóng vai ông Hoàng Hổ, còn lại đầu đội khăn xếp đen, áo dài đen, quần trắng, thắt lưng xanh có múi 2 bên, chân trần. Ngày nay do điều kiện sống văn minh hơn nên về trang phục của phường Ải Lao thay đổi chút ít. Cụ thể, 2 ông trịch trống, chiêng và 2 ông cầm cây bông đều vận áo dài đỏ, quần vàng, khăn xếp đỏ, thắt lưng xanh có múi. Người đóng vai ông Câu cá đội khăn xếp vàng, quần vàng, áo chẽn đỏ, chân và tay có gệt, đi giầy ba ta trắng. Ông Hoàng Hổ có trang phục riêng, còn lại các thành viên khác đầu đội khăn xếp xanh, áo dài xánh, quần trắng, thắt lưng đỏ có múi hai bên, đi giầy ba ta trắng.

Hàng năm, để phụ vụ cho lễ hội đền Phù Đổng tại huyện Gia Lâm, phường Ải Lao phải tập trung tập luyện trước khoảng một tháng để học thuộc các bài hát, điệu múa truyền thống để cúng thần trong các ngày diễn ra lễ hội. Nếu vào hội chính (5 năm tổ chức/lần), phường Ải Lao tham gia lễ hội từ ngày mùng Một đến Rằm tháng Tư (âm lịch) mới trở về. Với năm là hội lệ (tổ chức thường niên), phường Ải Lao chỉ diễn tại đền Phù Đổng khoảng một ngày.

img_8441.jpg
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Trọng Hinh - nguyên trưởng phường múa hát Ải Lao (phường Phúc Lợi).

Không chỉ trình diễn tại lễ hội đền Phù Đổng hàng năm, theo chia sẻ của nghệ nhân dân gian Nguyễn Bá Trản – đoàn trưởng phường Ải Lao, phường đã đem di sản văn hóa phi vật thể này đến diễn ở Giỗ tổ Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ), dự Festival tại Hải Phòng, kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh và trong các sự kiện, hội xuân trên địa bàn Hà Nội.

“Mỗi thành viên trong phường Ải Lao đều nêu cao tinh thần gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của cha ông”, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Trọng Hinh, chia sẻ.

Làm gì để múa hát Ải Lao “sống khỏe”?

“Khó khăn lớn nhất của múa hát Ải Lao là đất diễn. Di sản chỉ được thực hành một năm/lần ở hội Gióng”, anh Nguyễn Sơn Hà - thành viên phường hát múa Ải Lao, chia sẻ. Thực tế, hát múa Ải Lao cũng diễn ra tại hội làng Hội Xá ở phường Phúc Lợi nhưng không quy mô như tham gia hội Gióng đền Phù Đổng. Nghệ nhân dân gian Nguyễn Bá Trản, cho biết, nhiều nơi muốn mời phường Ải Lao đến diễn nhưng nếu giữ lối hát cổ thì không phù hợp. Vì vậy các nghệ nhân đang nỗ lực để xây dựng phần hát hội phù hợp với các không gian, các lễ hội, sự kiện để lan tỏa múa hát Ải Lao.

ai-lao-2.png
Khó khăn lớn nhất của múa hát Ải Lao là đất diễn và không có kinh phí để truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Cùng đó, từ năm 1981, phường hát múa Ải Lao được tổ chức lại nhưng hoạt động hoàn toàn tự phát, kể cả sau khi loại hình nghệ thuật này được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (2016), chưa có một văn bản nào của các cấp chính quyền công nhận phường Ải Lao là một thực thể chính thức trong hệ thống văn hóa địa phương. Chính vì thế, hát múa Ải Lao thiếu đi đất diễn, giá trị di sản theo đó không được phát huy, phát triển.

Bài toán kinh phí vẫn là nỗi trăn trở lớn nhất của các nghệ nhân phường Ải Lao bao nhiêu năm qua. Nghệ nhân Nguyễn Trọng Hinh không giấu giếm, phường hát múa Ải Lao luôn nhận được sự ủng hộ tinh thần rất lớn từ UBND phường Phúc Lợi cũng như người dân địa phương, nhưng về vật chất, hầu hết các thành viên tự bỏ kinh phí để duy trì các hoạt động. Những năm gần đây, phường Ải Lao nhận được hỗ trợ kinh phí của một số tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhưng chủ yếu là ngắn hạn và phục vụ việc đi biểu diễn là chính.

img_20230813_154056.jpg
Các nghệ nhân phường hát múa Ải Lao trong dịp Hội Gióng kỷ niệm 10 năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. (Ảnh: NVCC).

Chính việc không có nguồn kinh phí nên việc đào tạo lớp người trẻ kế cận để giữ gìn, phát huy giá trị di sản Ải Lao trở nên khó khăn. Hát múa Ải Lao là nghệ thuật dân gian độc đáo nhưng lại rất khó truyền dạy, riêng hát Ải Lao có 12 bài, các bài lại dài, cách hát phải bẻ chữ, đảo từ, đảo câu, thêm từ láy nên không phải ai cũng có thể học được.

“Chúng tôi muốn vận động thanh niên trong làng tham gia học tập, rèn luyện thành thạo những bài hát, điệu múa của nghệ thuật Ải Lao, đưa họ vào làm thành viên của phường Ải Lao để thay thế những người lớn tuổi hiện nay. Tuy nhiên thực hiện điều này rất khó bởi cho đến nay phường Ải Lao hoàn toàn chưa có cơ chế hỗ trợ, nguồn kinh phí để đào tạo, mở lớp truyền dạy và thu hút được người trẻ tham gia. Nếu không nhanh chóng đào tạo lớp người trẻ thay những người gần đất xa trời như chúng tôi, thì nguy cơ mai một hát múa Ải Lao rất lớn. Mà muốn làm được điều đó thì phải có kinh phí”, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Trọng Hinh, cho biết.

Theo anh Nguyễn Sơn Hà, việc gìn giữ, bảo tồn di sản hát múa Ải Lao còn nhiều chông gai và gian nan. Tuy nhiên, anh Hà nêu ý tưởng, ngành giáo dục nên chăng đưa di sản hát múa Ải Lao vào trường học trên địa bàn phường. Các trường học có thể mời nghệ nhân phường Ải Lao đến giới thiệu nét đặc sắc của loại hình di sản văn hóa phi vật thể này tới các em học sinh, hoặc thể hiện đoạn hát hội đã qua cải biên để thế hệ trẻ biết được vốn di sản văn hóa quý báu của Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. Hoặc cũng có thể làm những khẩu hiệu, poster tuyên truyền về di sản hát múa Ải Lao đặt tại các cổng trường, di tích đình Hội Xá để các các bậc phụ huynh, người dân biết hát múa Ải Lao vẫn đang hiện diện, tồn tại trên mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Trong buổi gặp gỡ các nghệ nhân phường múa hát Ải Lao gần đây với sự có mặt của Phóng viên Tạp chí Người Hà Nội, ông Phạm Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Lợi cho biết, đã tiếp thu ý kiến, đề xuất, kiến nghị của các nghệ nhân, đồng thời trong thẩm quyền, UBND phường sẽ giải quyết ngay các bước để tháo gỡ những khó khăn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản quốc gia hát múa Ải Lao.

img_8424.jpg
Ông Phạm Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Lợi (áo trắng, bên trái) trong buổi trao đổi với các nghệ nhân phường múa hát Ải Lao gần đây.

“Trước đây phường còn được cấp ngân sách, tuy nhiên hiện nay thực hiện chính quyền đô thị thì mọi thứ càng khó khăn hơn, thực tế UBND phường không có nguồn kinh phí để hỗ trợ cho phường Ải Lao. Trong thẩm quyền của mình, chúng tôi luôn tạo điều kiện và ủng hộ các ông, các cụ trong việc thực hiện hồ sơ để công nhận nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian, giới thiệu và kết nối với nơi khác để phường Ải Lao đi diễn. Tôi sẽ giao cán bộ văn hóa phường vào cuộc ngay, tham mưu cho UBND phường Phúc Lợi để ra quyết định công nhận, thành lập phường múa hát Ải Lao, từ đó UBND phường có thể nắm bắt được hoạt động cũng như định hướng cho phường múa hát Ải Lao phát triển hơn.

Về kiến nghị đưa di sản hát múa Ải Lao vào nhà trường, điều này không thuộc thẩm quyền của UBND phường nhưng chúng tôi sẽ có đề xuất với cấp trên, cơ quan có thẩm quyền để nghiên cứu, xem xét và giải quyết”, ông Phạm Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Lợi, nhấn mạnh.

Hải Kiên - Vũ Chi