Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Báo Ân (quận Cầu Giấy)

Sơn Dương (t/h) 13/08/2023 11:07

Chùa Báo Ân (chùa Trung Kính Hạ) thuộc địa phận phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

chua-trug-kinh-ha.jpg
Chùa Trung Kính Hạ

Chùa Báo Ân là một di tích thuộc tổ 8 Trung Kính Hạ, phường Trung Hoà. Trước đây mảnh đất này thuộc tổng Dịch Vọng, phủ Hoài Đức, rồi phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây, một thời thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, đầu thế kỷ XX thuộc xã Trung Hoà, huyện Từ Liêm. Từ tháng 9 năm 1997 thuộc phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Từ xa xưa, Trung Kính Thượng và Trung Kính Hạ có tên Nôm là Dàn Kính Chủ, đứng đầu là “Thành hoàng hưng chấn oai linh Nộn triết danh thần”. Người dân Trung Kính nổi tiếng với nghề cổ truyền làm tăm tre, đũa tre, hương nén, hương vòng, có thuần phong mỹ tục, lễ giáo uy nghiêm cùng chung nền văn hoá vùng ven sông Tô.

Chùa Báo Ân cũng như nhiều ngôi chùa khác của làng xã Việt Nam, thờ Phật. Bên cạnh đó, chùa còn thờ bà Cẩn Nương vợ của Nộn Công - người đã giúp vua Hùng Vương đánh đuổi giặc Ai Lao và được thờ tại đình, đền của làng. Ngoài ra chùa còn có nhà thờ Tổ, thờ Mẫu, một loại hình tín ngưỡng dân gian của người Việt cổ được lưu truyền tồn tại đến nay.

Chùa Báo Ân được khởi dựng từ khi nào? Hiện nay không thấy tư liệu thành văn nào ghi rõ. Song căn cứ vào những di vật còn lưu giữ tại chùa như: bia, khánh, đặc biệt là quả chuông đồng có tiêu đề “Báo Ân thiền tự”,niên đại Chính Hoà 13 (1692) cho thấy niên đại khởi dựng ngôi chùa có từ trước khi tạo tác các di vật này, ít nhất là từ thời Lê thế kỷ thứ XVII. Nằm trên một khu đất rộng của làng Trung Kính Hạ, chùa Báo Ân có quy mô kiến trúc bề thế gồm: Tam quan, chùa chính, nhà Tổ, nhà Mẫu...

Trong hệ thống các pho tượng Phật ở chùa có bộ tượng Tam thế và A Di Đà là những pho tượng đẹp, độc đáo, được tạo tác chuẩn, với khuôn mặt tròn, ngực nở, eo thót, cung mày lớn, đài sen nở rộng... có niên đại sớm nhất của chùa, mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ XVIII, XIX.

Chùa Báo Ân nằm trong một không gian thoáng rộng, cấu trúc khu di tích cùng kiến trúc chính của chùa hầu như được giữ nguyên trạng với quy mô bề thế, cảnh quan sinh động. Đời Minh Mệnh thứ 20 (1839), tu bổ chùa và đúc khánh; 2 bia đá trong đó một tấm niên hiệu năm Thành Thái thứ 6 (1894) có nội dung ghi: “Chùa Báo Ân được xây dựng từ trước đến năm Tân Mão thứ 4 sửa sang, xây dựng mới hoàn thành. Năm Giáp Ngọ xây gian nhà Tổ tốn kém nhiều, nhân việc này tín chủ Vũ Thị Thuận góp tiền để công đức và xin được gửi giỗ tại chùa...”. Bia còn ghi bài minh ca ngợi Phật giới trong đó có đoạn: “... Công đức của Phật như núi rất cao xa, trí tuệ như biển sâu, rộng vô cùng, cát sông Hồng Hà cũng không sánh được, dù nhiều bia đá cũng khó mà ghi hết...”./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)