Chùa Bảo Tháp (huyện Thanh Trì)
Chùa Bảo Tháp thuộc địa phận thôn Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Chùa Bảo Tháp còn được gọi là chùa Bồ Đề, hay chùa Bồ Tát, hoặc gọi theo tên làng là chùa Thượng Phúc.
Theo truyền thuyết, chùa Bảo Tháp được xây dựng từ thời nhà Trần do một vị cao tăng họ Hồ là dòng dõi hoàng thân đã từ bỏ quan tước về đây tu luyện. Vào đời vua Trần Hiến Tông, niên hiệu Khai Hựu (1329 - 1340), do gặp cơn binh biến bất ngờ, kinh đô rối loạn, Minh Từ Hoàng thái hậu phải rời Kinh thành về đây lánh nạn, sau đó quy y niệm Phật và trở thành người trụ trì ở đây. Dấu vết của giai đoạn này không còn gì ngoài một tấm bia đá ghi niên hiệu Quang Thái thứ ba năm Canh Ngọ (1390) triều Trần Thuận Tông.
Chùa Bảo Tháp hiện nay có quy mô khá lớn, trải dài trên khu đất thoáng mát, hướng mặt tiền ra sông Nhuệ. Tam quan có ba gian đơn giản. Tiền đường có 7 gian. Bộ vì mái làm theo kiểu “chồng rường kẻ chuyền” với bốn hàng chân cột. Trên các xà nách, kẻ nách chạm khắc hoa lá và hoa văn. Chỗ nối với Thượng điện trên hai lá gió chạm khắc một hoạt cảnh được phỏng đoán là Đường Tam Tạng cùng ba đồ đệ đi thỉnh kinh ở Tây Trúc, trông khá đẹp và lạ. Sau Tiền đường là Thượng điện năm gian, bộ vì chủ yếu được bào trơn kẻ soi, không chạm khắc gì đặc biệt. Chùa còn có Hậu cung, trên bộ vì mái chạm hổ phù, cốn nách chạm thủng mai già hoá long. Ngoài ra có điện thờ Mẫu, nhà Tổ, nhà trai...
Chùa Bảo Tháp có nhiều di vật quý, ngoài tấm bia cổ chùa còn có một khánh đồng to làm năm 1843 (Quý Mão) đời vua Thiệu Trị 3, chuông đồng cao (1,15m) đúc năm 1813 (Quý Dậu) đời Gia Long 12, bia gỗ khắc bài ký nói về việc tu sửa chùa năm Bảo Thái 7 Bính Ngọ (1726) đời Lê Dụ Tông. Hệ thống tượng có 75 pho gồm các bộ Tam thế, Quan Âm Nam Hải, Di Đà Tam tôn, Thập điện Diêm vương, tượng đức Thánh Tổ... các pho tượng có niên đại thế kỷ XIX là những tác phẩm nghệ thuật đẹp.
Chùa đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02