Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Nếp nhà Hà Nội:Bài 1: Gia phong người Hà Nội

Bảo Nguyên 01/08/2023 15:42

Nhà văn Toan Ánh trong “Nếp cũ - Con người Việt Nam” đã khẳng định: "Nếu gia đình là một bụi cây nhỏ, gia tộc là cả một khóm rừng, khóm rừng che chở cho bụi cây, nhưng bụi cây dù nhỏ cũng góp phần vào để làm cho khóm rừng thêm rậm rạp. Muốn biết khóm rừng phải đi từ bụi cây, muốn hiểu xã hội phải đi từ gia đình. Chính vì lẽ đó, muốn hiểu phong tục Việt Nam, phải bắt đầu từ phong tục gia đình".

Lời tòa soạn: Nếp nhà Hà Nội với những nét đặc trưng đã phần nào phản chiếu chiều sâu văn hóa, lịch sử của Thủ đô; là nhân tố không thể thiếu để tạo dựng cốt cách riêng của người Hà Nội. Trải qua thời gian, những nếp nhà xưa vẫn còn hiện hữu trong những câu chuyện kể, những ký ức một thời và đặc biệt vẫn được tiếp nối qua nhiều thế hệ gia đình Hà Nội. Tuy nhiên, sự phát triển của đời sống xã hội hiện đại kéo theo không ít những thay đổi trong lối sống của người Hà Nội hôm nay. Bởi thế gìn giữ “nếp xưa” sao cho hài hòa với nhịp sống mới là rất cần thiết và cũng chính là góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đây cũng chính là nội dung mà Tạp chí Người Hà Nội lựa chọn để đề cập và gợi mở trong chùm bài viết về “Nếp nhà Hà Nội”.

gia-phong-1(1).jpg
Một góc trưng bày “Nếp xưa” tại Bảo tàng Hà Nội.

Theo Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, gia phong là "Thói nhà: tập quán, giáo dục trong gia tộc". Nói đến nếp nhà cũng chính là nói đến gia phong. Sách “Văn hóa lễ tục ABC” của tác giả Phạm Côn Sơn, khi viết về gia phong có ghi: “Không chỉ nhà có văn học, có vị thế xã hội mới biết gìn giữ nền nếp gia phong. Những gia đình nghèo ít học biết tuân theo luật lệ của làng xã, sống đạm bạc, biết nhắc nhở con cháu chăm học, chăm làm, giữ lễ nghĩa theo những lời khuyên răn truyền miệng, sống nền nếp đã là gia đình có gia phong rồi”.

Từ bao đời nay, gia đình truyền thống của người Việt nói chung, người Hà Nội nói riêng luôn coi trọng giữ gìn nền nếp gia phong. Trong gia đình, người Thăng Long – Hà Nội lấy chữ “hiếu” với ông bà cha mẹ làm đầu, chữ “hiền thảo” với dâu rể, chữ “thành đạt” với con cháu. Ông bà, cha mẹ lấy cái mẫu mực làm gương cho con cháu.

gia-phong-2(1).jpg
Ảnh Tết của một gia đình khá giả ở Hà Nội đầu thế kỷ XX. Ảnh tư liệu.

Đạo lý “kính trên nhường dưới” thể hiện rõ trong bữa cơm từ vị trí ngồi quanh mâm cơm, thứ tự lời mời trước khi ăn, sự nhường nhịn món ngon, gắp tiếp trước cho khách. Rồi cách ăn uống cũng phải từ tốn, nhai nuốt thong thả.

Nhà văn Tô Hoài trong cuốn “Chuyện cũ Hà Nội” khi viết về mâm cơm của người Hà Nội đã kể khá chi tiết: “Trong cách thức ăn uống, mọi nhà chú trọng quy củ bày biện và cả chỗ ngồi ăn. […]. Trong nhà, không ai bảo ai, nhưng dường như đã chia chỗ, mỗi người đều biết. Ông bà, cha mẹ ngồi trên, anh chị em ngồi giữa lẫn với trẻ con, vợ chồng ý tứ không ngồi bên nhau, cũng như nàng dâu và con gái thì giữ chân đầu nồi xới cơm cho cả nhà. Đưa bát đưa cơm vừa xới cho người vai trên đưa hai tay, gắp thức ăn thì tránh gắp chen đũa, đũa trên luồn đũa dưới người khác… Vào mâm thì ai cũng mời ăn. Ông bà bề trên nhất thường nói một câu vui: Cả nhà ăn cơm nào. Mọi người lần lượt mời người cao tuổi trước – không phải mời người dưới thứ bậc mình. Ăn xong, đặt bát đã vét sạch để ngang đôi đũa nói: Cháu/ con xin phép ạ rồi mới được đứng dậy”.

Đấy là nếp ăn, còn nếp mặc, người Hà Nội cũng dạy con cháu hết sức lịch sự, ra đường là mặc áo dài, khăn nón, giày guốc đầy đủ. Khách đến chơi, chủ nhà giữ lễ “tôn trọng mình, tôn trọng khách”, ăn vận quần áo gọn gàng tươm tất rồi mới ra tiếp.

gia-phong-3(1).jpg
Gia đình học giả Nguyễn Tường Phượng (thân sinh nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến) tại nhà 21 Trần Hưng Đạo - Tết 1950. Ảnh tư liệu gia đình.

Nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến khi nhớ về những năm tháng tuổi thơ trong căn biệt thự trên phố Gambetta, nay là phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội) đã không quên nhắc đến những bài học của mẹ dạy năm xưa: “Mẹ tôi là một phụ nữ chuẩn mực “công, dung, ngôn, hạnh”. Ngay từ khi chúng tôi còn nhỏ mẹ đã dạy chúng tôi cũng rất cẩn thận, kỹ càng từ cách nói năng, ăn uống đến cả chuyện mặc. Tôi nhớ, cứ mỗi khi ra khỏi nhà, dù chỉ là đầu ngõ bà đều mặc quần chùng, áo dài. Trang phục của mẹ luôn gọn gàng, nền nã toát lên vẻ đẹp đặc trưng của người phụ nữ Hà Nội”.

Trong cách nói năng, người Thăng Long - Hà Nội vận dụng từ ngữ khéo léo, nhã nhặn, tinh tế. Trong giao tiếp biết nhún mình, tôn trọng người, mềm mỏng mà không thớ lợ, tài hoa mà không khoe khoang, biết rộng mà không làm cao.

Con gái Hà Nội xưa được cha mẹ dạy bảo “công, dung, ngôn, hạnh”, giữ đủ nét e lệ, dịu dàng, ý tứ, từ dáng đi, nụ cười, ánh mắt, đồ trang sức vừa đủ.

gia-phong-4(1).jpg
Trong mỗi gia đình Hà Nội xưa, nếp nhà luôn được coi trọng. Ảnh tư liệu

Nhà văn Ngô Vĩnh Bình trong tản văn “Hà Nội trong mắt tôi”, đã phác họa một Hà Nội với những nếp nhà xưa qua câu những câu chuyện rất đỗi dung dị về bà ngoại, về người bác, về gia đình cậu mợ ở số 2 phố Cổng Đục ngay trong khu phố cổ xưa… Ông kể: “Bà mợ tôi, dù chỉ là một giáo viên tiểu học, nhưng kiến văn và công dung ngôn hạnh thì thật ít thấy. Một lần, bu tôi ra chơi, mợ tôi rót nước đưa hai tay mời bà: “Thưa, chị xơi nước ạ… Cảm ơn chị…”. Bà lúc nào cũng nhẹ nhàng, cũng vâng vâng dạ dạ cảm ơn. Bà nói chuyện với tôi cũng thế, cũng đầy sự… khéo léo. Nhà bà ở phố này đã ba đời rồi, từ thời ông nội bà. Bà nói, bà được giáo dục trong nhà từ nhỏ như thế, quen rồi. Các anh chị em của bà mà tôi gặp cũng đều như vậy, chẳng riêng gì bà…”.

Tùy theo gia cảnh của mỗi nhà (khá giả, trung lưu, nghèo khó) mà nếp xưa được gìn giữ khác nhau một cách phù hợp. Tuy nhiên, dù khá giả hay bình dân thì đều giữ được tôn ti trật tự, trên dưới rõ ràng.

gia-phong-5(1).jpg
Trong mỗi gia đình Hà Nội xưa, nếp nhà luôn được coi trọng. Ảnh tư liệu.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, quan hệ xóm giềng chính là môi trường để mỗi gia đình giữ được “nếp nhà” của mình trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt của mỗi gia cảnh. Điều này đã được ông minh chứng từ câu chuyện của Hà Nội: “Ngày ấy sự đố kỵ ít, sự bao dung nhiều nên trong gia đình, sự giáo dục luôn hướng về cái thiện. Gặp người hàng xóm nghèo thì cha mẹ người giàu hơn luôn dạy con cháu giữ ý tứ để không tạo nên sự mặc cảm của hàng xóm và lại luôn nhắc đến cái câu “nghèo cho sạch, rách cho thơm” để nhắc nhở con cái nhà mình.

Ngày giỗ Tết luôn được coi trọng không chỉ vì những quan niệm tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mà vì đó là cơ hội để những người trong họ tộc gặp nhau, là cơ hội giúp cho thế hệ trẻ nhận biết cộng đồng đông đảo và những mối quan hệ “dây mơ rễ má” của những người trong họ mạc để ứng xử và giữ mối dây liên hệ”.

Cuộc sống phố phường sôi động nhưng người Thăng Long – Hà Nội vẫn giữ được nét đẹp của cuộc sống tâm linh và cộng đồng đầy tính thiện như: hái lộc đầu xuân, đi lễ đền chùa cầu lành, cầu mát, cầu quốc thái dân an, thắp hương thờ cúng tổ tiên, cúng giao thừa, năm mới xông đất chúc tụng nhau, đến Văn Miếu xin chữ Thánh hiền đầu xuân…

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, nếp nhà của người Hà Nội với nếp ăn, nếp mặc và cốt cách thanh lịch hào hoa cũng đã ít nhiều mai một. Mô hình gia đình truyền thống “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường” đang dần thay thế bởi gia đình hạt nhân. Những mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ trong ứng xử, lối sống ngày một gia tăng. Chữ hiếu, chữ đễ đã không mấy được xem trọng. Ở không ít các gia đình, những bữa cơm quây quần có đủ các thành viên đang dần thưa vắng. Đó là chưa kể tới tình trạng bạo lực gia đình, rồi sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào các gia đình... Tất cả những vấn đề đó đang đặt ra những thách thức trong việc gìn giữ phát huy giá trị của nếp nhà Hà Nội./.

Bảo Nguyên