Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Bát Tràng (huyện Gia Lâm)

Sơn Dương (t/h) 10/08/2023 17:47

Chùa Bát Tràng thuộc địa phận xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

chua-bat-trang.jpg
Chùa Bát Tràng

Bát tràng từ lâu đã được biết đến là một làng nghề nổi tiếng bởi vùng này có nhiều đất sét trắng, một nguồn nguyên liệu tốt để phát triển nghề gốm. Người dân địa phương truyền rằng xưa ở đây có 72 gò đất sét trắng, một số thợ gốm ở Bồ Bát đã di cư ra đây cùng họ Nguyễn Ninh Tràng lập lò gốm gọi là Bạch Thổ phường (phường Đất Trắng), đợt di cư đầu tiên, theo gia phả họ Trần bắt đầu từ triều Lý. Phường gốm Bạch Thổ làm ăn phát đạt lỗi cuốn dân cư Bồ Bát trong suốt thế kỷ XIII đến thế kỷ XV. Từ đây, Bát Tràng trở thành một trung tâm gốm nổi tiếng, là nơi tụ hội của thuyền buôn và thương gia các nơi đến mua bán hàng hoá.

Chùa Bát Tràng là tên gọi theo địa danh, ngoài ra còn có tên là Kim Trúc tự. Chùa được xây dựng theo hướng tây, dàn trải trên một mặt bằng rộng bao gồm các hạng mục: chùa chính, nhà Tổ, nhà Mẫu, sân vườn, nhà khách và vườn tháp.

Chùa chính bao gồm Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện. Toà Tiền đường là 1 nếp nhà ngang xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai gồm 5 gian 2 dĩ, bộ khung nhà Tiền đường gồm 6 bộ vì trong đó 5 bộ vì được làm kiểu “thượng chồng rường giá chiêng hạ kẻ”, riêng một vì hồi trái được làm kiểu “thượng chồng rường giá chiêng hạ cốn”.

Thượng điện chính giữa xây bệ gạch lớn, phía trên treo một hoành phi có 3 chữ Hán “Bảo Minh Điện”, tại đây đặt hệ thống tượng thờ được bài trí thành nhiều lớp.

Nối giữa Tiền đường và Thượng điện là Thiêu hương, có kết cấu bộ khung gồm 3 bộ vì gỗ kiểu thượng chồng rường giá chiêng kẻ nách.

Nhìn chung, tổng thể kiến trúc chùa Bát Tràng tương đối bề thế, với một khuôn viên rộng tạo cho ngôi chùa một vẻ đẹp cổ kính, mặc dù các hạng mục công trình của chùa có niên đại xây dựng muộn, song từng chi tiết vẫn tuân thủ chặt chẽ những quy tắc của kiến trúc cổ truyền. Trang trí trên kiến trúc với những hoạ tiết hình lá đề, vân mây trên các con rường, đấu kê rất sinh động và bay bổng. Song có lẽ đáng chú ý hơn cả là hệ thống di vật phong phú hiện còn được lưu giữ tại chùa. Đó là sưu tập hiện vật đá với hệ thống cột đá tại Tiền đường và hành lang; phiến đá cổ một mặt khắc nổi 3 chữ Hán “Kim Trúc tự”, một mặt khắc dòng chữ Hán nhỏ đề cập đến niên đại xây dựng của chùa; lư hương đá, khánh đá và hệ thống các di vật với các chất liệu khác như gỗ, gốm...

Chùa Bát Tràng là một công trình kiến trúc Phật giáo cổ có giá trị về nhiều mặt. Cùng với những thăng trầm của lịch sử, sự tồn tại của ngôi chùa làng và sự gắn bó mật thiết đối với cuộc sống của người dân đã khẳng định vai trò của ngôi chùa trong đời sống tinh thần của người dân làng Bát Tràng.

Với những giá trị về mặt lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, chùa Bát Tràng đã được UBND Thành phố Hà Nội xếp hạng di tích năm 2002./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)