Chuyển động Hà Nội

Hà Nội: Triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững

T. Trang 11/08/2023 17:42

Năm 2023, thành phố Hà Nội phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giảm 642 hộ nghèo (tương đương giảm 30% số hộ nghèo so với đầu năm).

11-8-gn.jpeg
Hà Nội đã và đang triển khai linh hoạt nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững.

Thời gian qua, bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội luôn chủ động xây dựng, ban hành các chính sách đặc thù của thành phố và chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các chính sách, giải pháp góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

6 tháng đầu năm 2023, Hà Nội tiếp tục thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương và thành phố, cụ thể là: 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ 100% mức đóng cấp thẻ bảo hiểm y tế; 100% hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện (theo quy định của Chính phủ); Tiếp tục thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội; hỗ trợ hàng tháng theo chính sách giảm nghèo đặc thù của Thành phố.

Cấp thẻ BHYT cho trên 4.600 người thuộc hộ nghèo; 45.952 người thuộc hộ cận nghèo; 9.811 người làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình với tổng kinh phí 42.956,3 triệu đồng. Hỗ trợ đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện với số tiền trên 846,6 triệu đồng cho trên 3.600 người.

Thực hiện tặng quà Tết Nguyên đán Quý Mão. Ngoài quà tặng 500.000 đồng/hộ cho 2.134 hộ nghèo; 300 đồng/hộ cho 22.263 hộ cận nghèo từ nguồn ngân sách Thành phố, các địa phương còn tặng 757 suất quà cho hộ nghèo; xã phường và vận động xã hội hóa tặng 5.353 suất quà cho hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, nguồn vốn ủy thác từ Ngân sách đạt 6.241 tỷ đồng, giải ngân cho 53.785 lượt khách hàng vay vốn với tổng số tiền đạt 2.484 tỷ đồng. Trong đó cho vay giải quyết việc làm cho 38.394 lượt khách hàng với số tiền đạt 474 tỷ đồng; cho vay 84 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với số tiền đạt 3 tỷ đồng; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường 15.224 lượt hộ, hỗ trợ cải tạo và xây mới 30.400 công trình nước sạch, công trình vệ sinh.

Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn Thành phố.

Để nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo trong thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức; hoàn thiện có chế, chính sách về giảm nghèo bền vững. Tiếp tục thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương và chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội.

Huy động, lồng ghép các nguồn lực, trong đó ngân sách Thành phố đảm bảo cho việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thường xuyên (kinh phí mua thẻ BHYT; miễn giảm học phí; hỗ trợ hàng tháng; tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán...); ủy thác sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội.

Tăng cường vận động xã hội hóa, tạo nguồn lực để thực hiện các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo (xây, sửa nhà ở; hỗ trợ đột xuất; hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ phương tiện sản xuất, kinh doanh để hộ nghèo, cận nghèo có thu nhập ổn định, bền vững...).

Lồng ghép có hiệu quả nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo với các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và các chương trình, đề án, dự án chuyên khác của trung ương và Thành phố.

Tăng cường các chính sách hỗ trợ có điều kiện; chính sách trợ giúp pháp lý; hỗ trợ cải thiện nhà ở của hộ nghèo, hộ cận nghèo; tăng cường triển khai chính sách tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ mới thoát cận nghèo.

Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình, dự án giảm nghèo, phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp nhằm tạo việc làm, sinh kế, thu nhập cho người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi.

Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, kết nối, giới thiệu, hỗ trợ việc làm cho người nghèo. Nâng cao hiệu quả hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đảm bảo đúng quy định. Triển khai, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, các giải pháp giảm nghèo hiệu quả phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo…

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở; sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp và sự đồng tình của nhân dân, tin rằng Hà Nội sẽ thực hiện thành công mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống khoảng 0,07% vào cuối năm 2023, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Thành phố./.

T. Trang