Danh thắng & Di tích Hà Nội

Y Miếu (quận Đống Đa)

Sơn Dương (t/h) 10/08/2023 10:12

Y Miếu thuộc địa phận phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội.

y-mieu.jpg
Y Miếu

Y Miếu - còn gọi là Y Miếu Thăng Long, được xây dựng khoảng giữa thế kỷ XVIII dưới triều vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786), trên đất thôn Ngự Sử, tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương, nay là số 9A phố 224 phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội.

Y Miếu thờ hai vị đại danh y được lịch sử y học Đại Việt tôn vinh thành hai vị Thánh y, tiêu biểu cho y lý, y thuật, y đức Việt Nam là Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, cũng là nơi thờ các lương y có tiếng của nền y học cổ truyền dân tộc.

Tuệ Tĩnh tên đầy đủ là Nguyễn Bá Tĩnh, người Cẩm Võ, Cẩm Giàng, Hải Dương. Vì đi nên có pháp hiệu Tuệ Tĩnh. Nguyễn Bá Tĩnh đỗ thái học sinh năm mới hơn 20 tuổi, dưới triều vua Trần Dụ Tông (1341 - 1368) nhưng không ra làm quan mà dành thời gian nghiên cứu đạo Phật, trồng cây thuốc chữa bệnh và trở thành người tiếng chữa bệnh bằng thuốc nam “Ông Thánh thuốc Nam”.

Vua nhà Trần đã đưa ông vào đoàn đi sứ sang Trung Quốc. Vua nhà Minh Trung Quốc biết tài chữa bệnh của Tuệ Tĩnh đã phong hiệu là “Đại Y thiền sư” và giữ lại ở Trung Quốc. Tuệ Tĩnh đã mất ở Trung Quốc. Tuệ Tĩnh để lại nhiều sách quý như “Nam dược thần hiệu”, “Thiền Tông khoá hư lục”...

Lãn Ông tức Hải Thượng Lãn Ông là tên hiệu của Lê Hữu Trác (1724 - 1791) người Liêu Xá, Đường Hào nay là Yên Mỹ, Hưng Yên. Lê Hữu Trác là con thứ bẩy của một thượng thư Bộ Lễ thời Lê Trung hưng, đỗ hương cống nhưng không màng công danh, và thời gian sống chủ yếu là ở quê mẹ, thuộc huyện Hương Sơn - Hà Tĩnh. Tại đây Lê Hữu Trác đã nghiên cứu sâu về y học, y thuật, chữa bệnh cứu người, mở trường dạy làm thuốc, truyền bá y học.

Ngoài tinh thông y học, y đức mẫu mực, Lê Hữu Trác Lãn Ông cũng rất giỏi về trước tác, văn chương, đã để lại cho đời sau bộ sách quý Hải Thượng Lãn Ông “Y tông tâm lĩnh” 28 tập, 66 quyển, một tập ký có giá trị nhiều mặt “Thượng Kinh ký sự” viết năm Lê Hữu Trác được chúa Trịnh Sâm (1767 - 1782) triệu về Thăng Long chữa bệnh cho con là Trịnh Cán (1782).

Y Miếu Thăng Long đã qua nhiều lần tu sửa. Năm Giáp Ngọ (1834) triều Minh Mạng thứ 15, Y Miếu được trùng tu lớn, mở rộng. Dưới thời Pháp thuộc (1883 - 1945), Y Miếu bị hư hại, đổ nát nhiều.

Sau khi Hà Nội được giải phóng (tháng 10/1954), đặc biệt từ khi Hội Y dược Việt Nam chính thức được nhà nước giao cho quản lý, Y Miếu đã được trùng tu, chăm lo bảo quản, vừa là nơi tôn vinh nền y học cổ truyền vừa làm trụ sở Hội Y dược Việt Nam.

Y Miếu hiện nay là một tổng thể kiến trúc khép kín với diện tích khoảng 747m.

Miếu có kiến trúc gần như hình vuông, 2 lớp nhà 3 gian kiểu tường hồi bít đốc, có 2 tầng mái cao thoáng, 4 lớp mái trên tạo các đạo cong, chính giữa bờ nóc đắp nổi đôi rồng chầu mặt trời, giữa bờ dải và guột là hai con “sô” dưới dạng sư tử hý cầu, với lão mai hoá rồng. Đỉnh hai trụ ngoài được đắp hình búp sen.

Kiến trúc bên trong xây kiểu vòm cuốn cao, hai mái chồng diêm. Đây là nơi đặt khám thờ hai danh y Tuệ Tĩnh, và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Mặt ngoài là hiện rộng với 6 trụ xây vuông có câu đối chữ Hán đắp nổi. Mái hiện làm kiểu mái đua, tạo bề rộng, thoáng... Các gian bên thờ Thần Nông và một số danh nho, danh y...

Hiện vật có giá trị nhất của di tích là một khám thờ lớn bằng gỗ choán chỗ toàn gian giữa Hậu đường.

Khám được chạm khắc tỷ mỷ các hình rồng, cúc mãn khai, hoa lá, cây quả, được sơn son thếp vàng, mang nét nghệ thuật thế kỷ XIX, ngoài ra còn nhiều hoành phi, câu đối, đồ thờ...

Ngày hội Y Miếu tôn vinh y học cổ truyền và các danh y Việt Nam  được tổ chức vào ngày 15 tháng giêng âm lịch.

Y Miếu đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1981./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)