Văn hóa – Di sản

Di tích Cổ Loa: Nơi bồi đắp truyền thống bảo vệ chủ quyền quốc gia cho thế hệ trẻ

Hoa Quỳnh - Hải Truyền 10/08/2023 21:26

Không chỉ là điểm đến của du khách trong và ngoài nước bởi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử, khu Di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) giờ còn là nơi bồi đắp tình yêu quê hương, tình yêu di sản và truyền thống bảo vệ chủ quyền quốc gia cho thế hệ trẻ. Hơn 5 năm qua, chương trình “Giáo dục di sản” tại di tích Cổ Loa, đã thu hút hàng vạn học sinh, sinh viên trên cả nước về với vùng đất từng hai lần là kinh đô nước Việt.

Về với Cố đô 

z4590892104816_f082f00cba4e36198e2947eecf14e5d3.jpg
Cổng chính Đền thượng khu Di tích Cổ Loa.

Được xác định là tòa thành cổ lớn nhất Việt Nam, di tích lịch sử Cổ Loa rộng khoảng 860,4ha. Lần thứ nhất Cổ Loa là kinh đô của Nhà nước Âu Lạc dưới thời Thục Phán - An Dương Vương (thế kỷ III trước Công nguyên) và sau này là kinh đô của Nhà nước Vạn Xuân dưới thời Ngô Quyền (thế kỷ X sau Công nguyên), những sự kiện lịch sử gắn với thành Cổ Loa không chỉ tồn tại trong truyền thuyết, niềm tự hào của nhân dân Cổ Loa mà còn được ghi lại trong nhiều bộ sử ở nước ta.

Với những dấu tích còn sót lại đến ngày nay và những bằng chứng thu thập được qua nhiều cuộc khảo sát đã chứng minh Cổ Loa là một kiến trúc quân sự đồ sộ và độc đáo. Lối xây dựng thành quách đặc biệt đã thể hiện tri thức quân sự vượt trội của các bậc tiền nhân trong buổi đầu dựng nước và giữ nước. Đến nay, vẫn còn nhiều bí ẩn chưa được khám phá đang ẩn sâu trong lòng Cổ Loa, nhưng giá trị lịch sử của thành Cổ Loa đã được đặt ở vị trí trang trọng trong dòng chảy của lịch sử dân tộc.

Trải qua hàng ngàn năm, khu di tích Cổ Loa còn lưu giữ nhiều hiện vật lịch sử, tàn tích kiến trúc, như khu đền Thượng thờ An Dương Vương, Giếng Ngọc, đền thờ tướng Cao Lỗ, am thờ công chúa Mỵ Châu và chùa Bảo Sơn, Đình Ngự Triều Di Quy… Nhà trưng bày, giới thiệu khoảng hơn 200 tài liệu, hiện vật theo tiến trình lịch sử từ khoảng 3.500 năm trước cho đến nay.

z4592753886543_ae3df33a500290f7a7d2c54352b8cb46.jpg
Sơ đồ dấu tích 3 vòng thành Cổ Loa còn tồn tại đến ngày nay.

Cổ Loa hay còn gọi là Loa thành ngày nay không chỉ là một di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước, chống ngoại xâm, mà còn là một điểm đến lý tưởng cho du khách thập phương muốn khám phá những giá trị văn hóa, hình ảnh quen thuộc của một làng quê Bắc Bộ thanh bình. Thống kê từ Ban quản lý Di tích Cổ Loa, thời điểm trước khi có đại dịch toàn cầu Covid 19, trung bình hàng năm Cổ Loa thu hút khoảng 120.000 người/năm, đặc biệt Cổ Loa nhộn nhịp nhất trong 3 tháng đầu năm và mùa lễ hội. Thời gian qua, Ban quản lý Di tích Cổ Loa đã cho ra đời một số sản phẩm du lịch hút được du khách như tour “Tìm về Kinh đô của người Việt cổ”, cũng như xây dựng nhiều chương trình trải nghiệm mới: Làm bỏng Chủ dâng vua, đóng oản xôi lá mít dâng vua, bắn nỏ, đắp thành, Xưởng thủ công Âu Lạc (đúc mũi tên nỏ Liên Châu và các hiện vật đặc trưng, tiêu biểu khu di tích); in tranh, lắp ghép tranh, ném còn, đi cầu khỉ, tập làm nông dân nhí, trò chơi team building: nhảy sạp, kéo co…

Bồi đắp tình yêu di sản 

Di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa với những giá trị lịch sử văn hóa đặc biệt, là tài sản quý báu trong kho tàng di sản văn hóa ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Đó là minh chứng lịch sử phản ánh sâu sắc quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước hào hùng của biết bao thế hệ.

Nhằm quảng bá di sản và giáo dục thế hệ trẻ, kể từ năm 2018, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã giao cho Ban Quản lý khu di tích Cổ Loa triển khai nghiên cứu, xây dựng và đưa vào hoạt động chương trình Giáo dục di sản “Tìm hiểu lịch sử khu di tích Cổ Loa” hướng tới đối tượng là học sinh các trường học trên địa bàn Hà Nội. Các nội dung của Chương trình Giáo dục di sản tại di tích Cổ Loa đã được xây dựng bài bản, khoa học và có trọng tâm với sự góp ý của các chuyên gia, đồng thời được sự phối hợp chặt chẽ của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhằm mục đích triển khai rộng rãi trong các trường học Thủ đô. Đây là chương trình học tập ngoại khóa gắn với bộ môn lịch sử địa phương.

z4590843388434_50fc1e8fb82acb629ae79426fce02db3(2).jpg
Khuôn đúc Cổ Loa là Bảo vật quốc gia.

Thay bằng những bài học nhiều chữ, khó nhớ, khó thuộc, tại khu di tích Cổ Loa các tiết học lịch sử được gắn với những hoạt động trải nghiệm thực tế và điều này mang lại hiệu quả tích cực. Sau 5 năm triển khai Chương trình, Ban Quản lý khu di tích Cổ Loa đã xây dựng được 12 hoạt động trải nghiệm. Trong đó những hoạt động như bắn nỏ, đắp thành, xưởng thủ công Âu Lạc (đúc mũi tên nỏ Liên Châu và các hiện vật đặc trưng, tiêu biểu của khu di tích),… được các em nhỏ đặc biệt thích thú.

Chị Nguyễn Thị Thúy Nga, cán bộ hướng dẫn - thuyết minh tại khu di tích cho biết, từ khi chương trình được triển khai đã có trên 10.000 lượt học sinh tham gia học tập và trải nghiệm. Không chỉ các trường trên địa bàn Hà Nội mà nhiều trường học ở các tỉnh khác cũng chọn khu di tích Cổ Loa làm điểm đến cho học sinh học tập và tham gia trải nghiệm.

Tham gia Chương trình tại Cổ Loa, các em học sinh sẽ được nghe giới thiệu về lịch sử Cổ Loa, sự độc đáo và đồ sộ của Loa thành, về các nhân vật: thần Kim Quy, vua An Dương Vương, công chúa Mỵ Châu, tướng quân Cao Lỗ,…; về các sự kiện: vua Ngô Quyền lên ngôi, chọn Cổ Loa là kinh đô,… Cùng với đó là các hoạt động trải nghiệm gắn liền với lịch sử Cổ Loa như: bắn nỏ, đắp thành, đóng oản xôi lá mít,…

z4592780108769_e91631d3cbd76f070c7b8bedebea2d12.jpg
Học sinh tham gia trải nghiệm bắn nỏ tại Di tích Cổ Loa.

Đối với trải nghiệm bắn nỏ, các em học sinh sẽ được đưa đến Ngự xạ đài, được mặc trang phục quân chầu, được hướng dẫn cách đeo nỏ làm sao cho đẹp, cách cầm nỏ cho đúng, cách lên dây nỏ sao cho mất ít sức mà vẫn kéo được dây đến nẫy, cách ngắm bắn và cách gạt lẫy nỏ. Đây là một trong những trải nghiệm khiến các em nhỏ thích thú nhất. Em Lê Tuấn Thịnh, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Liên Hà (Đông Anh) vui vẻ kể trong cảm giác hồi hộp: "Con không nghĩ mình sẽ bắn trúng được, con thích nhất là nghe tiếng gió khi mũi tên bay đi”.

Ở trải nghiệm đắp thành, nguyên liệu được sử dụng là đất sét, các em học sinh sẽ được hướng dẫn cách nhào đất cho dẻo, sau đó nặn thành dây dài to bằng cổ tay và đắp 3 vòng thành, hào nước và mở các cửa thành theo quan sát trên sơ đồ thực tế của thành Cổ Loa. Tham gia trải nghiệm đắp thành, em Nguyễn Thu Trang, một học sinh THCS từ Quảng Trị lần đầu ra Hà Nội và đến Cổ Loa hào hứng “Mới đầu con thấy đất sét rất cứng, nhưng sau khi tưới nước, nhào nặn nhiều lần thì mềm lắm, rất dính nữa ạ. Sau một lần đắp thành con đã nhớ được hình dáng các vòng thành, số cửa và vị trí của từng cửa, giờ không cần nhìn sơ đồ con cũng vẫn làm được”.

z4592782598582_d77500d1885ef385befddc14c2e9551a.jpg
Mô hình nỏ Liên Châu tại Nhà trưng bày khu Di tích Cổ Loa.

Ngoài ra, các em học sinh còn được tham gia hoạt động trải nghiệm in tranh dân gian, lắp ghép tranh di tích, đóng oản xôi lá mít, làm bỏng Chủ, tập làm nông dân nhí tại khu di tích giúp các em học sinh thể hiện sự khéo léo, kiên trì, tỉ mỉ, sáng tạo. Trong khi đó, tham gia các trò chơi dân gian độc đáo như kéo co, nhảy sạp, đi cầu khỉ, ném còn… đã gắn kết các em học sinh, giúp thế hệ trẻ được vận động tăng cường thể chất.

Ông Hoàng Công Huy, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý khu di tích Cổ Loa cho biết: “Thời gian qua Ban quản lý Di tích nhận được sự phối hợp rất tích cực từ Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh và các thầy, cô giáo là Hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn huyện trong Chương trình Giáo dục di sản tại Khu di tích Cổ Loa. Chúng tôi đã xây dựng những lớp học lịch sử trực quan giúp cho các em học sinh, sinh viên hiểu thêm về cội nguồn dân tộc, giải mã không gian sự kiện, nhân vật và những dấu tích khảo cổ học từ truyền thuyết đến thực tại. Thông qua chương trình sẽ góp phần tăng cường mối liên hệ giữa di sản với nhà trường, giữa di sản với gia đình, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng và thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, bảo tồn những di sản quý giá của dân tộc. Đặc biệt là thế hệ học sinh Đông Anh sẽ luôn tự hào khi hiểu rõ lịch sử khu di tích Cổ Loa gắn với lịch sử địa phương, Thủ đô, đất nước trong giai đoạn đầu dựng nước và giữ nước hào hùng của cha ông”.

Chương trình giáo dục di sản tại khu Di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa đã bước đầu gặt hái những thành công trong mục tiêu đưa di sản tiếp cận thế hệ trẻ, gắn giáo dục với di sản nhằm bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, sự tự hào về lịch sử của dân tộc và truyền thống chống giặc ngoại xâm của cha ông đi trước. Thông qua các hoạt động của buổi trải nghiệm sẽ giúp cho các em có thêm sự trân quý, tình yêu và trách nhiệm bảo vệ những di sản của cha ông./.

Hoa Quỳnh - Hải Truyền