Bài 4: Bảo tồn và phát triển làng cổ
Chớp mắt đã tròn 15 năm Hà Nội chính thức mở rộng địa giới hành chính bằng việc hợp nhất toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã của huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình. Kho di sản nghìn năm Thăng Long giàu có thêm bội phần vì hội tụ văn hóa của vùng “đất bách nghệ”, của những ngôi làng cổ rêu phong trong trầm tích lịch sử và thời gian.
Từ 5 khu nội thành và 120 xã ngoại thành vào năm 1945, qua những lần thay đổi địa giới hành chính, mà gần đây nhất là năm 2008, Hà Nội đã trở thành Thủ đô lớn thứ 17 trên thế giới với diện tích 3.344,7km2, rộng lớn hơn 3,6 lần trước đó, số dân tăng lên tới 6,2 triệu người và di tích, làng cổ… cũng nhân con số lên gấp bội.
Hà Nội hiện nay có 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã. Khu vực nông thôn rộng với vùng ven nội còn sản xuất nông nghiệp, có nhiều địa danh mang tên làng, trong đó một số nơi còn giữ được làng cổ. Trong bộ sách “Làng cổ Hà Nội” do Nxb Hà Nội thực hiện, TS. Lưu Minh Trị cùng các cộng sự đã dày công nghiên cứu để đưa ra những tiêu chí nhận diện làng cổ. Theo đó, có thể dựa vào 4 tiêu chí chung để “gọi tên” làng cổ Hà Nội: Thứ nhất, làng được hình thành từ 300 năm trở lên (từ đầu thế kỷ thứ XVIII), hiện còn bảo tồn được nhiều nét đặc sắc của văn hóa làng Việt. Thứ hai, có truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú với những nhân vật lịch sử nổi tiếng…; làng hiếu học, nhiều người đỗ đạt cao; có nghề thủ công nổi tiếng, nay vẫn được duy trì. Thứ ba, còn lưu giữ được một số cơ sở vật chất của văn hóa làng xưa như: đình, đền, chùa, văn chỉ, từ đường, cổng làng, nhà cổ… Thứ tư, còn lưu giữ được các di sản phi vật thể như: lễ hội truyền thống, hương ước, gia phả các dòng họ…
Các cụm làng cổ này “đếm được” hơn 30 làng, như vậy, số làng cổ được gọi tên ở đất Hà Nội là hơn 100 làng. Ai là người Hà Nội mà không biết “cổ trấn” Đường Lâm lẫy lừng với quần thể các làng cổ lâu đời, nhiều di tích và dấu tích cổ, các nhà cổ điển hình của vùng đồng bằng Bắc bộ. Ai mà không biết làng Phù Đổng (huyện Gia Lâm) với nhân vật huyền thoại nổi tiếng, với lễ hội Gióng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Rồi Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) - làng cổ có nhiều người đỗ đại khoa, nhiều vị quan lẫy lừng trong thiên hạ; Bát Tràng (huyện Gia Lâm) - làng cổ có nghề gốm sứ nổi tiếng và nhiều di tích đình, đền, chùa, lễ hội...
Không cần nhìn lại quãng thời gian quá xa, chỉ cần định hình từ năm 2008 - thời điểm hợp nhất địa giới hành chính tới nay, mọi mặt đời sống ở vùng Kẻ Chợ và xứ Đoài xưa đều đã thay đổi. Ngoại thành và vùng ven nội đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, do đó làng cổ Hà Nội cũng không còn vẹn nguyên như xưa. Trước tiên phải kể đến những đặc trưng dễ nhận diện là cổng làng, cây đa, giếng nước, sân đình, lũy tre xanh.
Nhiều làng xưa có cổng Tiền, cổng Hậu, có làng còn cổng ngách ra đồng gọi là cổng Tây, cổng Đông. Trong làng có cổng xóm, cổng ngõ, nhà giàu sang lại có cổng nhà. Nay thì đường làng chính được mở rộng để ô tô chở hàng, chở khách ra vào phục vụ sản xuất, tham quan, du lịch. Vì thế, cổng làng cũ phá đi, có làng xây cổng mới nhưng giữ nguyên phong cách kiến trúc cổ, có làng làm cổng mới bằng sắt, thép, nhôm. Song, nhiều làng vẫn giữ lại cổng cũ với chữ Hán trên nóc cổng và câu đối mặt trước, mặt sau cổng như làng Vẽ, làng Phù Ninh, Ước Lễ, Phù Đổng, Cổ Loa, Mông Phụ… Lại có một số làng mở đường khác cho ô tô vào, vẫn giữ được vốn cổ mà đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa.
Và ở nhiều làng, cây đa, giếng nước, sân đình (trung tâm hành chính, văn hóa xã hội của làng xưa) đến nay vẫn còn đủ. Cây đa, cây đề, cây gạo… vẫn đứng đón khách bên cổng làng hay một góc sân đình. Giếng làng vẫn được giữ như một kỷ vật hoài cổ khi nước máy, nước giếng khoan đã dẫn vào nhà. Riêng lũy tre làng thì chỉ lác đác còn lưu bóng, thay vào đó là những tường bao xây gạch, xây đá ong…
Những ngôi nhà mái ngói ba gian, hai chái hoặc năm gian, khung gỗ, hoành tre, cửa bức bàn vẫn còn thấy ở ngoại thành Hà Nội, ví như ở Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp của Đường Lâm vẫn còn hơn 400 ngôi nhà cổ với vật liệu xây dựng là gỗ xoan và tre ngâm tồn tại trên 200 năm. Hay làng Vẽ (phường Đông Ngạc) cũng còn nhiều nhà cổ có cột lim trên đá tảng chạm sen, mái lợp hai lớp…
Còn rất nhiều đổi thay trong nếp sống hằng ngày, trong phong tục tập quán của người làng cổ Hà Nội xưa hiện diện trong ngày hôm nay. Song đó là quy luật của cuộc sống, là sự thích nghi cần thiết của người đương thời với thời đại. Vấn đề chỉ là sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển làng cổ để tự hào và không phải tiếc nuối mà thôi.
Phải nói rằng, trong tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn hiện nay, các làng cổ Hà Nội đang gánh trên đôi vai gầy áp lực rất lớn về bảo tồn di sản. Ấy là bài toán nan giải mang tên “hài hòa giữa bảo tồn và phát triển” mà bao nhiêu năm nay, các nhà quản lý di sản cùng người làng cổ vẫn mải miết đi tìm lời giải.
Ngay từ khi mới hợp nhất năm 2008, các chuyên gia trong lĩnh vực di sản đã lên tiếng đề nghị xây dựng quy hoạch bảo tồn, tôn tạo làng cổ. Theo đó, các xã, thị trấn và một số phường còn nhiều dấu tích làng cổ cần xây dựng quy hoạch bảo tồn làng cổ trên địa bàn, các làng không còn đầy đủ tiêu chí một làng cổ thì xây dựng kế hoạch bảo vệ, tôn tạo một số thành tố của làng cổ. Các huyện và quận ven ngoại cần xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ tiêu biểu trên địa bàn. Ở cấp thành phố, cần xây dựng quy hoạch bảo tồn, tôn tạo những làng cổ tiêu biểu theo các loại hình; sớm có chính sách bảo vệ, đồng thời từng bước xây dựng các dự án, cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng bảo tồn - tôn tạo các thành tố của một làng cổ điển hình.
Đi sâu vào việc bảo tồn, các chuyên gia cho rằng, trước hết cần bảo tồn được cơ bản cảnh quan làng xóm, nhất là những đặc trưng của làng Việt như: cổng làng, các di tích đã xếp hạng, cây đa, giếng nước, lũy tre, nhà thờ, nhà cổ…
Đây là các thành tố vật chất có ảnh hưởng tốt đến đời sống tinh thần của người dân địa phương. Cùng với đó cần bảo tồn di sản phi vật thể của làng quê, nhất là lễ hội truyền thống và các trò chơi, trò diễn dân gian; bảo tồn và phát huy các làng cổ có nghề truyền thống. Thêm vào đó, cần mở các tuyến du lịch làng cổ điển hình hoặc một số thành tố đặc sắc của làng cổ như: di tích, cảnh quan, lễ hội, nghề truyền thống...
Con đường bảo tồn vạch ra khá rõ nét, nhưng để đến đích lại vướng không ít rào cản. Thế nên lâu nay, các làng cổ Hà Nội vẫn thận trọng từng phép tính để giải bài toán bảo tồn và phát triển. Lấy ví dụ điển hình là làng cổ Đường Lâm - quần thể với 50 di tích có giá trị được xếp hạng, gần 100 ngôi nhà cổ có niên đại trên 100 năm và gần 1.000 ngôi nhà truyền thống nông thôn đồng bằng Bắc bộ.
Năm 2013, Thành phố đã phê duyệt Dự án Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Làng cổ ở Đường Lâm. Năm 2014, Thành phố tiếp tục ban hành Đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ ở xã Đường Lâm”. Từ đó đến nay, 13 dự án với tổng mức đầu tư là 178,029 tỷ đồng đã được thực hiện, tuy nhiên còn 5 nội dung chưa được triển khai hoặc chưa hoàn thành. PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhìn nhận: “Phải có một tư duy rất riêng cho vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di tích cho một cộng đồng làng. Chúng ta đang chỉ nhìn thấy nó là di tích, chúng ta đang thiếu chính sách. Để bảo tồn làng cổ, Đường Lâm đang tập trung phát triển du lịch nhưng các chuyên gia đánh giá, du lịch Đường Lâm chưa phát huy được thế mạnh bởi để phát triển được du lịch, trước hết phải bảo tồn được giá trị của di tích”.
Ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm không giấu: “Làng cổ Đường Lâm mang tính đặc thù là “một di tích sống” nên trong quá trình quản lý, bảo tồn còn gặp nhiều vấn đề khó khăn”. Ông Thạo kiến nghị Thành phố chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Thành phố đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phân khu đô thị ST24 để có cơ sở thực hiện đầu tư, quản lý và bảo tồn phát huy giá trị di tích Làng cổ Đường Lâm. Ngoài ra, đề nghị Thành phố xem xét tiếp tục ban hành Đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ xã Đường Lâm giai đoạn 2023 - 2028” thay thế Đề án năm 2014 và có chính sách hỗ trợ dạy nghề, khuyến nông, khuyến công tạo sinh kế cho người dân để người dân có thể sống được trong di tích, từ đó quay lại góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Thường trực Thành ủy đi khảo sát công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm mới đây (10/5/2023), ngoài kiến nghị đẩy nhanh tiến độ quy hoạch phân khu đô thị ST24, thị xã Sơn Tây còn đề nghị Thành phố hướng dẫn thực hiện điều chỉnh Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Làng cổ ở Đường Lâm...
Lấy một ví dụ điển hình để thấy, việc bảo tồn, phát huy làng cổ là hành trình dài với không ít mâu thuẫn nảy sinh cần giải quyết. Ở đó không chỉ có kiến trúc cảnh quan, di tích, dấu tích cổ… mà còn cả việc hài hòa giữa vốn cổ với điều kiện sống của người dân, với phát triển kinh tế - xã hội, với quá trình đô thị hóa nông thôn đang diễn ra rất sôi động. Tuy nhiên, đó là việc cần làm và phải làm ở các làng cổ Hà Nội để đạt được 3 mục tiêu: vừa bảo tồn, gìn giữ những giá trị vô giá của di tích; vừa phát huy tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là du lịch, dịch vụ; đồng thời nâng cao điều kiện sống, bảo đảm sinh kế, gia tăng thu nhập cho người dân. Đó cũng là việc cần làm và phải làm để đưa Hà Nội đi đến đích Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” vào năm 2045 như Nghị quyết 10-NQ/TW đã xác định./.
Tác giả: Nhật Anh
Thiết kế: Phương Anh