Giáo dục

Sở Nội vụ Hà Nội sẽ trình phương án thi hoặc xét thăng hạng giáo viên vào tháng 11/2023

Kim Thoa 10/08/2023 06:58

Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, đã nhận được "tâm thư" của gần 2.500 giáo viên Hà Nội nêu nguyện vọng mong muốn được thành phố xem xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

318600992_5431723276.jpeg
Sở Nội vụ Hà Nội sẽ trình phương án thi hay xét thăng hạng giáo viên vào tháng 11/2023 (ảnh minh họa)

Ngay sau đó, Sở Nội vụ Hà Nội đã trao đổi thông tin với Sở Giáo dục và Đào tạo, đồng thời, sẽ căn cứ theo quy định của luật, nghị định, thông tư và tình hình thực tế của Hà Nội để có những đề xuất phù hợp.

Theo Sở Nội vụ Hà Nội, trong Nghị định 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định rất rõ “Thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp”.

Bộ Nội vụ đang xin ý kiến UBND các tỉnh, thành phố và các bộ, ban, ngành sửa đổi Nghị định theo hướng xét thăng hạng, bỏ thi. Tuy nhiên, do chưa có văn bản sửa đổi nên hiện nay Nghị định 115/2020/NĐ-CP vẫn đang còn hiệu lực thi hành.

Trao đổi với báo chí  ông Trần Đình Cảnh - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho hay theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức quy định ngạch công chức đối với công chức, hạng CDNN đối với viên chức để xác định trình độ, năng lực, khả năng thực thi nhiệm vụ được giao theo vị trí việc làm. Theo đó, đối với công chức, để bổ nhiệm ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp cơ bản đều phải thi. Đối với viên chức, để làm cơ sở thăng hạng CDNN từ hạng 3 (tương đương chuyên viên) lên hạng 2 và hạng 1 (lần lượt tương đương chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp) có 2 hình thức thi hoặc xét.

Theo Sở Nội vụ Hà Nội, thẩm quyền tổ chức xét hay thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp thuộc UBND cấp tỉnh. Đối với Hà Nội, UBND thành phố đã phân cấp cho Sở Nội vụ chủ trì thực hiện nhiệm vụ này. 

Tuy nhiên, trong 3 năm vừa qua, do dịch Covid-19 nên không tổ chức thi/xét thăng hạng, bởi vậy năm nay dự kiến số lượng tham gia sẽ rất lớn. Qua tổng hợp sơ bộ danh sách đăng ký, đến hết ngày 28/7/2023 đã có 30/30 quận huyện thị xã và 3 sở đăng ký, gửi báo cáo về cơ cấu, danh sách viên chức đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự thăng hạng với khoảng 30.000 hồ sơ; trong đó giáo viên chiếm số lượng lớn.

Bộ GD-ĐT cũng khẳng định: "Đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp là có căn cứ. Bộ GD-ĐT nhận được văn bản gửi xin ý kiến từ Bộ Nội vụ về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Bộ GDĐT đã có văn bản trả lời nhất trí với nội dung này. Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp".

Trong tháng 11, UBND thành phố sẽ xin ý kiến Bộ Nội vụ, nếu đồng ý thì UBND thành phố phê duyệt đề án và dự kiến tổ chức thi hoặc xét chậm nhất trong tháng 12.2023./.

Kim Thoa