Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Yên Sơn (huyện Chương Mỹ)

Sơn Dương (t/h) 08/08/2023 15:52

Đình Yên Sơn thuộc địa phận xã Đồng Lạc, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

dinh-yen-son.jpg
Đình Yên Sơn

Xưa kia, đất Yên Sơn thuộc trang Lỗ Sơn, tổng Hoàng Xá, huyện Chương Đức. Trước năm 1954 thuộc xã An Lạc, huyện Chương Mỹ. Ngày nay thuộc xã Đồng Lạc, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Căn cứ vào cuốn Ngọc phả do Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), sau đó được Quản giám bách thần tri điện Hùng lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiền phụng tả vào năm Vĩnh Hựu thứ 3 (1735) thì thành hoàng đình Yên Sơn là Vĩnh Hoa - một nữ tướng của Hai Bà Trưng. Truyền tích kể rằng: Năm Vĩnh Hoa 16 tuổi, người anh trai của bà là Hùng Thắng bị Tô Định giết hại. Vì nợ nước thù nhà, Vĩnh Hoa đã đến vùng Yên Sơn chiêu binh mãi mã đánh giặc. Hàng trăm người ở trang Lỗ Sơn hưởng ứng, ngày đêm cùng bà luyện tập võ nghệ. Thanh thế của nghĩa quân ngày một lớn. Nghe tin Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, Vĩnh Hoa cùng với nghĩa binh kéo về Hát Môn tụ nghĩa. Thấy đây là người tài sắc vẹn toàn, nên Hai Bà phong cho Vĩnh Hoa chức Trưởng tả quân Tham tán thị vệ. Với tài thao lược của mình, Vĩnh Hoa đã cùng với nghĩa quân lập nhiều công lớn, thu lại 65 thành trì, giành quyền tự chủ cho đất nước.

Đất nước thanh bình, Hai Bà Trưng xưng vương, khao thưởng binh sĩ. Bà Vĩnh Hoa được phong là Vĩnh Hoa công chúa và được ban tiền vàng, gấm vóc, lập thực ấp tại trang Lỗ Sơn. Ba năm sau, nhà Hán sai Mã Viện sang báo thù, Vĩnh Hoa công chúa chỉ huy một cánh quân. Trước thế giặc mạnh, cánh quân của bà bị bao vây, cô lập. Sau hồi giao chiến, bà bị thương ở vai bên trái, liền thúc ngựa chạy về đến Lỗ Sơn và mất tại đây.

Hiện tại, ngôi đình này đã qua nhiều lần tu bổ nhưng vẫn giữ được phong cách kiến trúc thời Nguyễn, kết cấu kiến trúc theo kiểu chữ “nhị” với 2 hạng mục là Đại bái và Hậu cung. Trên thượng lương Đại bái còn ghi niên đại tu tạo vào năm Nhâm Dần, niên hiệu Thiệu Trị thứ 2 (1842), toà Hậu cung ghi tu sửa năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Bảo Đại thứ 11 (1942).

Đại bái đình Yên Sơn được làm theo kiểu “thượng rường hạ kẻ” với hệ thống cột, kèo, vì… đều bằng gỗ lim. Các bức cốn được chạm nổi đề tài tứ linh (long, ly, quy, phượng) và cảnh sinh hoạt, làm ăn thôn dã như “Ngư, tiều, mục, dã” với cảnh người người đánh cá, người kiếm củi, trẻ chăn trâu... hay các bức “Tuấn anh Lịch Sơn” diễn tả cảnh vua Thuấn đi cày núi Lịch Sơn...

Hàng năm, nhân dân làng Yên Sơn tổ chức lễ hội vào ngày 11, 12 tháng 11 âm lịch. Nghi thức quan trọng nhất là rước “xa giá xuất cung” và “xa giá hoàn cung” từ miếu về đình và ngược lại. Lễ vật xưa kia có hai lễ chín gồm lợn luộc cả con, khi chia phần phải có xâu tre để xấu thịt cho bà con người Mường. Lễ hội đình Yên Lạc đông vui, nức tiếng một vùng bán sơn địa của huyện Chương Mỹ.

Đình Yên Sơn đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1988./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)